Chiều qua 2/10 (giờ Việt Nam), TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman được trao giải thưởng Nobel Y học năm 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vaccine mRNA chống lại COVID-19.
Trước khi giải Nobel gọi tên TS Karikó và GS Weissman, Giải thưởng VinFuture năm 2021 là một trong số ít giải thưởng khoa học công nghệ quy mô toàn cầu đầu tiên tôn vinh công trình nghiên cứu hai nhà khoa học này.
Việc VinFuture vinh danh TS Karikó và GS Weissman trước Nobel 2 năm thể hiện tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Mặc dù được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS Karikó.
Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6/2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Bà Karikó khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.
Bà Katalin Kariko (SN 1955) trong một gia đình làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía đông. Ngay từ nhỏ, Kariko mơ ước trở thành nhà khoa học dù chưa từng gặp nhà khoa học nào.
Bà yêu toán học và khoa học khi còn rất trẻ, trong quãng thời gian học tại các trường địa phương như trung học Moricz Zsigmond. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ thạc sĩ vào năm 1978. Sau khi tốt nghiệp trung học, Karikó đăng ký vào Đại học Szeged.
Nhưng con đường học hành của bà không hề dễ dàng. “Ban đầu sang Mỹ học năm 18 tuổi, tôi không biết một chữ tiếng Anh nào. Cô giáo giảng trên lớp và tôi chỉ nhận ra bài học kết thúc khi cô nói ‘the end’ giống như ở cuối bộ phim. Thế là trong khi bạn bè nhàn hạ thì tôi phải cố gắng đuổi theo, học và nỗ lực không ngừng”, bà nhớ lại.
Đến năm 1989, bà Kariko bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, sự nghiệp của bà ở Đại học Pennsylvania rất bấp bênh. Bà chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả hơn 60.000 USD/năm. Dù nhận được mức lương "bèo" không đủ trang trải cuộc sống nhưng bà vẫn quyết tâm nghiên cứu.
Nữ sinh gốc Hungary khi ấy tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm. Thời điểm cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ trước lĩnh vực mRNA đang ở thời kỳ sơ khai. Ngay cả những nhiệm vụ cơ bản nhất cũng khó khăn nếu không nói là bất khả thi.
Tại trường này, tình cờ nhà khoa học Hungary gặp được ông Drew Weissman, người đang có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc tìm kiếm vaccine cho bệnh nhân AIDS. Khi bà chia sẻ về nghiên cứu mRNA, Weissman đã nhận ra những tiềm năng độc đáo của công nghệ này. Từ đây, họ có thời gian dài cộng tác cùng nhau.
Năm 2005, họ đưa ra nghiên cứu mang tính đột phá với việc sửa đổi một trong các nucleoside của mRNA. Sau khi sửa đổi, mRNA có thể đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Hai nhà khoa học tin rằng công nghệ của họ có tiềm năng mở ra cánh cửa cho vô số vaccine, protein điều trị và liệu pháp gen mới.
Đến tháng 7/2010, hai công ty công nghệ chú ý tới công trình của họ là Moderna ở Mỹ và BioNTech ở Đức. Pfizer hợp tác với BioNTech và hai công ty đang hỗ trợ kinh phí cho phòng thí nghiệm của tiến sĩ Weissman. Không lâu sau đó, những thử nghiệm lâm sàng với vaccine cúm mRNA được thực hiện, đồng thời vaccine chống virus cytomegalovirus và Zika cũng đang trong quá trình phát triển. Khi đó, nCoV xuất hiện.
Công nghệ của bà thành công hơn nữa khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Hai công ty BioNTech và Moderna thiết kế vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian rất ngắn nhờ vào công nghệ gốc là đưa mRNA vào cơ thể để chỉ thị tế bào người sản sinh protein hình gai của nCoV. Hệ miễn dịch sẽ phát hiện protein đó, xem nó là vật thể lạ và biết cách tấn công nCoV nếu nó xuất hiện trở lại trong cơ thể.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống