Ấn Độ muốn cạnh tranh với Việt Nam
Ấn Độ - quốc gia được mệnh danh là "con hổ" ở châu Á - đang muốn cạnh tranh vị thế hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu điện thoại.
Cụm bảng mạch, mô-đun máy ảnh, màn hình cảm ứng và mặt kính. Hợp lại, chúng chiếm 3/4 chi phí nguyên vật liệu của một chiếc điện thoại thông minh.
Theo Bloomberg, Việt Nam, nước xuất khẩu thiết bị di động lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cung cấp những mặt hàng này và hầu hết các linh kiện khác với mức thuế bằng 0 từ các đối tác thương mại tự do.
Tuy nhiên, Ấn Độ - quốc gia có có mức thuế hải quan cao tới 22% do có ít hiệp định tương tự - vẫn muốn cạnh tranh vị thế cường quốc sản xuất của Việt Nam trong khu vực.
Một nghiên cứu so sánh về thuế quan của Hiệp hội Điện tử & Di động Ấn Độ cho thấy, sản xuất điện thoại di động ở quốc gia đông dân nhất thế giới hiện có bất lợi về chi phí là 4%, do hạn chế về cơ sở hạ tầng và chính sách chưa phù hợp.
Để bù đắp chi phí nói trên, Ấn Độ đã trả tiền cho các công ty với chương trình có tên gọi ưu đãi liên kết sản xuất, hay PLI, hứa hẹn trả cho các công ty từ 4% đến 6% tỷ lệ doanh thu gia tăng của họ trong 5 năm.
Nói cách khác, Ấn Độ chấp nhận rằng họ vẫn còn thiếu nền tảng (và chưa thể khắc phục) để đẩy mạnh ngành công nghiệp điện thoại, nhưng sẽ bồi thường phí chênh lệch đó cho các công ty thành lập nhà máy ở nước này.
Các nhà hoạch định chính sách tin chắc rằng chiến lược của Ấn Độ là một bước đột phá. Chương trình PLI triển khai từ tháng 10/2020 đang được ghi nhận thành công.
Sản xuất hàng năm đã tăng hơn 60% lên 42 tỷ USD. Trong số này, 11 tỷ USD là giá trị xuất khẩu, so với gần như không có gì vào năm 2014. Từ một nước nhập khẩu ròng, Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu ròng thiết bị cầm tay.
Bên cạnh sản xuất điện thoại di động, chip bán dẫn - "trái tim" công nghệ trong nhiều lĩnh vực từ viễn thông, giao thông vận tải, trí tuệ nhân tạo - cũng trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia châu Á.
Từ Thái Lan đến Singapore và Malaysia, các quốc gia hiện đang trong cuộc cạnh tranh chuyển địa điểm sản xuất chip đầu cuối từ Đông sang Đông Nam Á và Nam Á.
Ấn Độ đang cố gắng bước lên nấc thang này với quy trình hoàn thiện và thử nghiệm. Lao động giá rẻ đang giúp quốc gia Nam Á có ưu thế trở thành đối thủ tiềm năng của Việt Nam.
Những yếu tố cản trở
Sự ảnh hưởng của dịch bệnh vài năm qua đối với sản xuất đã thay đổi suy nghĩ của các công ty đa quốc gia. Một nhà máy của tập đoàn Công nghệ Foxconn ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ đang chuẩn bị giao iPhone 15 chỉ vài tuần sau khi được vận chuyển từ nhà máy ở Trung Quốc, theo Bloomberg.
Những công ty như Apple giờ đây không muốn phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia (như với Trung Quốc trước kia) mà muốn đa dạng hóa sản xuất và lắp ráp tại nhiều nơi.
Hành trình tìm kiếm chiến lược Trung Quốc+1 của Apple đã mang đến cho Ấn Độ cơ hội ngàn năm để trở thành một phần chuỗi cung ứng. Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam năm ngoái gấp sáu lần quốc gia Nam Á. Đây chính là khoảng cách mà New Delhi muốn thu hẹp.
Tuy nhiên, thế khó của Ấn Độ đến từ thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử, cụ thể là điện thoại di động vẫn còn quá cao, từ năm 2018 đã tăng lên 20% từ mức 15% và không có dấu hiệu suy giảm. Vào năm 2020, thuế đối với lắp ráp bảng mạch và màn hình cũng đã tăng 11%.
Mặc dù đã cắt giảm thuế đối với ống kính máy ảnh xuống 0, nhưng điều đó không tạo ra nhiều khác biệt. Như nghiên cứu của ICEA cho thấy, mức tăng tích lũy sau ba năm vẫn chiếm gần 5,6% hóa đơn vật liệu, hoặc 3,6% tổng chi phí của điện thoại.
Cộng thêm tác động từ đồng rupee trượt giá 11% so với đồng đô la kể từ đầu năm ngoái cũng khiến điện thoại do Ấn Độ sản xuất sẽ không thể cạnh tranh. Nhập khẩu đắt đang khiến các nhà sản xuất linh kiện địa phương trở nên e ngại hơn.
Các ưu đãi của PLI chỉ dành cho sản xuất gia tăng, nhưng thuế quan lại đang áp lên tổng chi phí. Nói cách khác, sự bù đắp của Ấn Độ trong chính sách mới đưa ra là không đủ so với chi phí bị mất của nhà sản xuất.
Thuế quan cao và yêu cầu giấy phép mới được áp đặt đối với máy tính, máy tính xách tay và máy tính bảng nhập khẩu cũng đang là các yếu tốt cản trở. Theo cây viết Tim Culpan của trang Bloomberg, những yếu tố này có thể ngăn cản Ấn Độ thành công xưởng tiếp theo của thế giới.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống