Vào ngày 18/12, thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD của gã khổng lồ phần mềm Adobe nhằm thâu tóm startup Figma, chính thức thất bại sau hơn 1 năm bị cơ quan quản lý giám sát. Trong một bài đăng ngày hôm đó, Dylan Field, CEO kiêm co-founder của Figma, vẫn vẽ ra viễn cảnh lạc quan về những ngày tiếp theo.
“Những gì tốt đẹp nhất của Figma vẫn còn ở phía trước”, anh viết.
Trong những tuần gần đây, Figma thiết lập mức định giá lên 10 tỷ USD - tức bằng 50% so với khoản tiền mà Adobe dự định chi trả trước đó. Công ty cũng đưa ra một số đề nghị thôi việc với vài nhân sự và chỉ hơn 4% trong số đó chấp nhận.
Bản thân Figma đang vật lộn phát triển trong cơn sốt trí tuệ nhân tạo. Theo 15 nhân viên và một số nhà đầu tư hiện tại, tất cả đang cố gắng mở rộng với tốc độ chóng mặt để tranh giành khách hàng, tuyển dụng nhân sự mới và xoa dịu các nhà đầu tư.
Figma là ví dụ điển hình cho những startup trên đà bị thâu tóm nhưng không thành. Tại Washington, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp đã đặt ra vô số câu hỏi, đồng thời thắt chặt các quy định sáp nhập. Tại Liên minh Châu Âu, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các công ty cam kết thay đổi nếu họ muốn việc sáp nhập.
Hệ quả đã lan rộng. Tháng trước, Amazon phải hủy bỏ thương vụ mua lại iRobot, nhà sản xuất máy hút bụi Roomba trị giá 1,4 tỷ USD, sau khi phía cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu đưa ra lời cảnh báo. Giám đốc điều hành của iRobot từ chức còn công ty sa thải 31% nhân viên.
Vào tháng 12, Illumina, một công ty giải trình tự gen, đã đồng ý bán lại nhà phát triển các xét nghiệm ung thư Grail với giá 7,1 tỷ USD sau khi đấu tranh tư tưởng với các cơ quan quản lý Mỹ. Các khoản đầu tư thiểu số, được sự hỗ trợ của Google, Amazon và Microsoft, đang được xem xét rất kỹ lưỡng.
“Sự vĩ đại của Adobe bắt nguồn từ khả năng của chúng tôi trong việc tạo ra các danh mục mới và công nghệ tiên tiến”, Giám đốc điều hành Adobe Shantanu Narayen cho biết: “Sự kết hợp giữa Adobe và Figma mang tính chất chuyển đổi và sẽ thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về sự hợp tác sáng tạo”.
Thế nhưng, thật không may, Figma và Adobe phải hủy bỏ thỏa thuận sau khi Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh nhận định rằng việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh phần mềm thiết kế. Cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu cũng đã ‘xắn tay’ nghiên cứu thương vụ.
Dylan Field và Evan Wallace, một kỹ sư phần mềm, thành lập Figma vào năm 2012. Ý tưởng đơn giản là những tiến bộ công nghệ trong trình duyệt sẽ giúp mọi người thiết kế web và ứng dụng trực tuyến dễ dàng hơn thay vì sử dụng phần mềm cồng kềnh, đắt tiền. Các sản phẩm của Figma, miễn phí hoặc trả phí, sẽ cho phép các nhà thiết kế tạo, chỉnh sửa và chia sẻ sản phẩm.
Adobe, hãng sản xuất phần mềm thiết kế bao gồm Photoshop và Illustrator, sớm chú ý đến Figma. Có thời điểm, Adobe đã cố gắng xâm nhập vào lãnh thổ của Figma với sản phẩm có tên XD song không quá thành công.
Vào mùa xuân năm 2020, Scott Belsky, giám đốc sản phẩm của Adobe, ngỏ lời mua Figma, theo hồ sơ pháp lý. Dylan Field từ chối và một năm sau, ngay cả khi Shantanu Narayen, giám đốc điều hành của Adobe, thử lại, câu trả lời vẫn là ‘không’.
Đến năm 2022, Figma mở rộng quy mô hoạt động và biết mình đang đi đúng hướng để đạt được “doanh thu định kỳ hàng năm” 400 triệu USD. Các nhà đầu tư khi đó, bao gồm cả Kleiner Perkins và Index Ventures, đều ca ngợi Figma là startup độc nhất.
Vào tháng 6/2022, Adobe đề nghị mua lại Figma, lần này với giá 20 tỷ USD. Theo hồ sơ, Figma đã đề xuất một người mua khác và nhắm đến mức định giá cao hơn, song cuối cùng vẫn chấp nhận con số 20 tỷ USD.
Ngay khi Adobe và Figma công bố thỏa thuận vào ngày 15 tháng 9 năm 2022, Field vui mừng tuyên bố sự kết hợp này sẽ là “cơ hội cho các công cụ sáng tạo”, đồng thời giúp Figma tiến lên nhanh hơn nữa.
Hai cựu nhân viên cho biết trong khoảng thời gian đó, Figma đã cố gắng phát triển nhanh hơn, phần để chứng tỏ mình thực sự trị giá 20 tỷ USD. Công ty đã thuê 500 người, tung ra nhiều tính năng và tổ chức một hội nghị với 8.500 người ở San Francisco trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, phía Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh đã cân nhắc. Họ lập luận rằng Adobe và Figma có thể là đối thủ của nhau mà một thỏa thuận đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ giảm.
Để khắc phục, cơ quan quản lý đề xuất vào tháng 11 rằng Adobe phải loại bỏ một ‘viên ngọc quý’ trong hoạt động kinh doanh của mình, chẳng hạn như Photoshop và Illustrator, hoặc Figma chấp nhận loại bỏ sản phẩm thiết kế chính của mình.
Để xử lý ổn thoả các vấn đề liên quan đến quy định, Adobe quyết định rút khỏi thương vụ và trả cho Figma khoản phí huỷ bỏ trị giá 1 tỷ USD. Đây là một bước lùi đáng kể cho Adobe, vốn đang hy vọng gia tăng thị phần trong thị trường phần mềm thiết kế dựa trên đám mây đang phát triển mạnh mẽ.
“Adobe và Figma hoàn toàn không đồng ý với những phát hiện pháp lý gần đây, nhưng chúng tôi tin rằng việc tiến lên một cách độc lập sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai”, ông Narayen của Adobe nói vào ngày 2 bên từ bỏ thoả thuận.
Hugo Raymond, một nhân viên Figma, viết trên X. “Đối với bất kỳ ai từng trải qua giai đoạn thâu tóm, bạn sẽ hiểu quãng thời gian lấp lửng đó khó khăn như thế nào”.
Figma hiện vẫn tiến lên. Công ty gần đây tung ra một công cụ dành riêng cho các nhà phát triển có tên DevMode, đồng thời quảng bá A.I. cải tiến cho sản phẩm của mình.
Theo các chuyên gia, các thương vụ thâu tóm hiện vẫn đang mắc kẹt. Adam Nash, một nhà đầu tư của Figma, dự đoán thời hoàng kim sẽ quay trở lại sau vài năm nữa.
“Chúng sẽ không xảy ra bây giờ đâu”, anh nói.
“Chúng tôi đã dành 4 tháng để tìm kiếm những cơ hội khả thi nhưng thị trường thâu tóm sáp nhập M&A đã suy giảm đáng kể”, đại diện startup vận chuyển hàng hoá Convoy nói.
Theo: The New York Times
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống