Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Infectious Diseases đã không gây ngạc nhiên, vì với nhiều người dùng các loại dây đeo đồng hồ như Apple Watch là nơi sinh sản của nhiều loại vi khuẩn.
Theo New York Post, báo cáo được thực hiện bởi một nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Florida Atlantic (Mỹ), khảo sát các dây đeo Apple Watch và các thiết bị được làm từ cao su, vải, da, nhựa, vàng và bạc. Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là tìm ra mối quan hệ giữa vật liệu của dây đeo và sự tích tụ của vi khuẩn.
Báo cáo cho biết 95% vòng đeo tay đều có một số loại vi khuẩn nguy hiểm. Phổ biến nhất trên dây đeo Apple Watch là vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus), được tìm thấy trên 85% mẫu dây đeo và có thể gây nhiễm trùng tụ cầu. Đáng chú ý hơn là có đến 30% mẫu chứa trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), một loại vi khuẩn được cảnh báo có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu... Và có đến 60% thiết bị đeo được thử nghiệm có chứa vi khuẩn E. coli, loại vi khuẩn này thường lây nhiễm qua đường đường tiêu hóa, từ người sang người hay từ động vật sang người.
Nghiên cứu cho biết những người có sử dụng Apple Watch tập thể dục có số lượng khuẩn tụ cầu cao nhất, điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc vệ sinh dây đeo cổ tay sau khi tham gia các hoạt động nghiêm ngặt tại phòng tập thể dục hoặc ở nhà.
Về chất liệu dây đeo, báo cáo cho biết dây đeo bằng vải, cao su và nhựa có lượng vi khuẩn cao nhất, tiếp đến là da. Các dây đeo kim loại được phát hiện có ít vi khuẩn, có thể thường không được đeo trong quá trình tập luyện.
Những con số nêu bật tầm quan trọng của việc người dùng Apple Watch và các thiết bị khác vệ sinh dây đeo. Apple cũng cung cấp một tài liệu hỗ trợ để giải thích các phương pháp tốt nhất để vệ sinh các loại dây đeo Apple Watch khác nhau của hãng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống