Huawei phát triển mạng 5.5G nhanh gấp 10 lần 5G

 

Tại Diễn đàn Băng thông rộng di động toàn cầu (MBBF 2023) mới đây ở Dubai, Huawei và nhà mạng của công ty viễn thông EITC giới thiệu biệt thự mẫu trang bị công nghệ kết nối 5.5G (hay còn gọi 5G-A), đầu tiên trên thế giới.

Biệt thự mô phỏng không gian sống tích hợp và liền mạch với các công nghệ 3D không cần kính và thực tế mở rộng (XR), hỗ trợ tốc độ mạng 10 Gbps.

Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại cách đây bốn năm, mở ra kỷ nguyên siêu kết nối, cung cấp sức mạnh cho mạng IoT và thúc đẩy các mô hình năng suất kiểu mới.

Ông Li Peng, Phó chủ tịch Cấp cao kiêm Chủ tịch Nhóm Kinh doanh Mạng di động Huawei.

Ông Li Peng, Phó chủ tịch Cấp cao kiêm Chủ tịch Nhóm Kinh doanh Mạng di động Huawei.

Hiện hơn 50.000 ứng dụng 5G công nghiệp trên thế giới và hơn 10 triệu kết nối 5G trong môi trường công nghiệp. Riêng tại Trung Quốc, 5G được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, khai thác, lưới điện, cảng, thép và cả chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia khác, 5G mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Trong khi đó, Huawei cho rằng, những gì 5G đem đến chưa đủ xây dựng một thế giới thông minh và kết nối toàn diện. Nguyên nhân là 5G ở điều kiện lý tưởng cho tốc độ tải xuống tối đa 10 Gb/giây, nhưng trên thực tế chỉ đạt được từ 800 Mb/giây đến 1 Gb/giây.

Do đó, tháng 6/2022, liên minh gồm Huawei, China Mobile và một số công ty Trung Quốc công bố mạng nâng cao 5G-A. 5G-A được 3GPP - tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, đại diện cho khoảng 700 công ty trong đó có Apple, Google và Huawei - phê duyệt.

Xét về tốc độ, 5.5G vượt trội so với 5G khi đạt tốc độ tải xuống 10 Gb/giây, tải lên 1 GB/giây, hỗ trợ tốt các dịch vụ mới như XR và 3D không cần kính. Với tốc độ truy cập nhanh và mức độ ổn định cao hơn gấp 10 lần so với mạng 5G, mạng 5.5G sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế và nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Trong lĩnh vực IoT, 5.5G hỗ trợ 100 tỷ kết nối, nhiều gấp 10 lần 5G hiện tại. Về trải nghiệm, công nghệ mới rút ngắn độ trễ từ 20 ms của 5G giai đoạn đầu xuống còn 1 ms, hỗ trợ định vị ở cấp độ centimet thay vì cấp độ mét.

"Công nghệ đang thay đổi rất nhanh và nhu cầu trải nghiệm mới của người dùng cũng không ngừng gia tăng. Vì vậy, kết nối mạng cũng cần đổi mới và phát triển liên tục. Đó là lý do chúng tôi và các đối tác phát triển 5.5G để thực hiện mục tiêu trên", ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nói tại sự kiện MBBF 2023.

Còn ông Li Peng, Phó chủ tịch Huawei, cho biết 5.5G sẽ mở ra tương lai của 3D không kính, xe tự hành, dây chuyền sản xuất thế hệ mới, kết nối nhiều thiết bị IoT hơn và viễn cảnh điện toán thông minh ở mọi nơi.

"Đến 2025, thế giới sẽ có hơn 500 triệu phương tiện thông minh di chuyển trên đường. Với mạng băng thông rộng và độ trễ thấp, các phương tiện có thể chia sẻ thông tin với nhau, với người, đường phố và cloud theo thời gian thực", ông nói. "Trong kịch bản hỗ trợ lái, xe thông minh sẽ tiêu thụ hơn 300 gigabyte dữ liệu mỗi tháng để tạo ra mô hình dựa trên cloud và cập nhật thuật toán hàng tuần", ông Li Peng chia sẻ.

Đại diện của Huawei và du cắt băng khánh thành Biệt thự 5.5G đầu tiên trên thế giới.

Đại diện của Huawei và du cắt băng khánh thành Biệt thự 5.5G đầu tiên trên thế giới.

Trước đó, tại Triển lãm Di động MWC Thượng Hải 2023 hồi tháng 6, bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, nhận định: "5.5G không chỉ thực hiện việc kết nối tốt hơn, mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới, đáp ứng mục tiêu cho nhiều nhu cầu trong lĩnh vực IoT, cảm biến và sản xuất hiện đại".

Trong nửa đầu 2023, một số quốc gia ở Trung Đông bắt đầu triển khai phòng thí nghiệm mở 5.5G. Ngày 11/9, Huawei cho biết đã hoàn thành tất cả thử nghiệm chức năng của 5.5G.

Tốc độ 10 Gbps đáp ứng yêu cầu của các dịch vụ tương tác nhập vai như đám mây hóa dữ liệu đào tạo AI, hội thảo trên đám mây, ứng dụng dịch vụ cần băng thông lớn trong sản xuất công nghiệp, điều khiển từ xa, dịch vụ tương tác thời gian thực đa phương tiện như XR, vốn yêu cầu tốc độ cao, độ trễ thấp và độ tin cậy cao.

Huawei hiện giữ vị thế dẫn đầu về 5G. Bên cạnh nâng cấp 5G và 5.5G, hãng dự kiến triển khai mạng 6G từ 2030. Mạng này được dự đoán vượt trội về các chỉ số như độ trễ, mật độ lưu lượng, mật độ kết nối, tính di động và hiệu quả phổ tần.

Trung Quốc cũng đã tính đến việc xây dựng mạng 6G và thành lập nhóm Thúc đẩy Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về 6G từ năm 2019. Theo kỳ vọng, 6G ước đạt tốc độ 1 TB/giây, gấp 100 lần 5G và có thể tải hơn 142 giờ nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất trong một giây.

Hà Cường

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống