Với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt sự ra mắt gần đây của ứng dụng Sora do OpenAI phát triển thời gian gần đây, làm dấy lên lo ngại về những chiêu trò lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake.
Những video được tạo ra quá giống thật khiến nhiều người sợ mô hình có thể bị lạm dụng để phát tán nội dung sai lệch, vi phạm quyền riêng tư.
Người dùng cũng sợ rằng những công nghệ tương tự có thể khiến cho những cuộc gọi lừa đảo trở nên giống thật hơn nữa và khó có thể nhận biết qua các dấu hiệu đặc trưng như trước đây.
Trước vấn đề này, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sự phát triển của AI mang lại cả tính tích cực lẫn tiêu cực trong dòng chảy không ngừng của Internet. Ở thời điểm hiện tại, Sora là một bước tiến lớn của OpenAI khi cho phép chuyển thể từ văn bản thành hình ảnh với chất lượng đáng kinh ngạc.
Dù mô hình Sora hiện tại còn nhiều thiếu sót như nhầm lẫn bên trái và bên phải hoặc không duy trì được hình ảnh liên tục trong suốt thời lượng của video, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua nguy cơ Sora có thể tạo ra thông tin sai lệch.
Bản thân OpenAI cũng đang tìm ra các giải pháp hạn chế, tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận rằng, không có giải pháp nào triệt để cả.
Lợi dụng công nghệ Deepfake là một hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Chính vì vậy, câu nói "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" lại càng đúng trong trường hợp này. Trong lúc chúng ta chờ những công nghệ và biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn được các hình thức này thì rất cần các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi tới người dân để có thể nắm bắt kịp thời các thông tin và thủ đoạn.
Môi trường mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội.
Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.
Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
"Nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo" - đại diện Cục An toàn thông tin lưu ý.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống