Tờ Financial Times (FT) cho hay Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua việc ép Tiktok phải tách rời khỏi ông chủ ByteDance-Trung Quốc hoặc sẽ bị cấm khỏi các nền tảng chợ ứng dụng tại nước này.
Nếu quyết định này được Thượng viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký chính thức thì ByteDance chỉ có 6 tháng để bán Tiktok cho một doanh nghiệp khác không đến từ Trung Quốc hoặc sẽ phải chấp nhận bị dỡ bỏ khỏi các nền tảng của Mỹ.
Những chợ ứng dụng như App Store hay Google Play sẽ bị phạt nặng theo dự thảo luật mới này nếu vẫn tiếp tục phân phối hay cập nhật Tiktok.
Thậm chí các hãng cung ứng dịch vụ Internet cũng bị buộc phải chặn Tiktok nếu không muốn chịu phạt. Tuy nhiên người dùng Tiktok thì không chịu chế tài nào nếu cố tình tìm kiếm để tiếp cận mạng xã hội này.
Theo FT, việc cấm một ứng dụng trên toàn quốc là điều chưa từng có tại Mỹ dù một số tiểu bang đã từng làm trong thời gian gần đây. Ví dụ bang Montana đã thông qua dự luật cấm Tiktok vào năm 2023 bằng cách yêu cầu các chợ ứng dụng loại bỏ mạng xã hội này trong khu vực bang.
Tuy nhiên dự luật này đã bị phủ quyết bởi tòa án liên bang vào tháng 11/2023 trước khi kịp có hiệu lực vào ngày 1/1/2024. Hiện Montana vẫn đang kháng cáo về dự luật này.
Trước đó, chính phủ Mỹ và nhiều bang đã cấm các thiết bị được sử dụng trong hành chính công được phép tải Tiktok nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu. Một số nước như Canada hay Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã ban hành các chỉ thị cấm tương tự với thiết bị công.
Bịt tai trộm chuông?
Tờ FT cho hay Tiktok đã được tải xuống hàng triệu điện thoại ở Mỹ, biến đây thành thị trường lớn nhất của mạng xã hội này trên toàn cầu. Lệnh cấm mới nếu được thông qua cũng sẽ không ép buộc người dùng phải xóa ứng dụng này, nhưng họ sẽ không thể cập nhật hoặc tải lại từ chợ ứng dụng nếu đã xóa hay cài đặt trên điện thoại mới.
Việc chặn quyền truy cập trên chợ ứng dụng theo thời gian sẽ khiến Tiktok trở nên lỗi thời, nhưng điều này sẽ không thể khiến người dùng Mỹ ngừng xem Tiktok chỉ sau 1 đêm.
Trên thực tế, người dùng Mỹ vẫn có thể lách luật bằng các tài khoản ảo ẩn địa chỉ IP để truy cập vào chợ ứng dụng ở thị trường nước ngoài và tải về Tiktok. Điều trớ trêu hơn là người dùng sẽ không phải nhận bất kỳ chế tài nào về hành vi này.
Theo FT, điều này khiến lệnh cấm trở nên vô tác dụng khi chẳng khác nào hành vi "bịt tai trộm chuông" bởi chính người dùng mới là đối tượng tự chủ hành vi có tiếp tục dùng Tiktok hay không.
Dẫu vậy, việc cấm Tiktok tại Mỹ được cho là vẫn sẽ có tác động to lớn đến nền tảng này khi chặn thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ mạnh với ByteDance. Sức mua cực kỳ lớn tại Mỹ cùng những danh tiếng mà thị trường này đem lại sẽ làm suy yếu đáng kể cái tên Tiktok trong ngành TMĐT.
Nhiều nhãn hàng sẽ phải xem xét lại việc quảng cáo trên Tiktok khi chúng khó tiếp cận thị trường Mỹ, trong khi nhiều người bán hàng sẽ từ bỏ Tiktok vì không tiêu thụ được cho khách hàng Mỹ.
Hiện Tiktok đang được hơn 7 triệu doanh nghiệp tại Mỹ sử dụng và có tỷ lệ tương tác cao hơn các nền tảng truyền thông khác trong giới trẻ. ĐIều này đồng nghĩa khả năng quảng bá, lan truyền thương hiệu của Tiktok cao hơn với 1 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu.
Ngoài ra, lệnh cấm này cũng là cơ hội cho Meta (Facebook) và Amazon nhanh chóng bành trướng trong bối cảnh đối thủ gặp khó khăn.
Số liệu của Viện Pew Research cho thấy Tiktok đã trở thành nguồn tin tức chủ chốt tại Mỹ khi 1/3 người trưởng thành dưới 30 tuổi thừa nhận đọc tin tức chủ yếu từ mạng xã hội này.
Tìm đường sống
Tiktok đang tiến hành một chiến dịch vận động hành lang rầm rộ trong bối cảnh có khả năng bị xóa sổ khỏi Mỹ, tuy nhiên phần lớn chúng bị nghị viện Mỹ phớt lờ.
Về lý thuyết, Tiktok có thể thực hiện một vụ kiện chống chính phủ Mỹ lên tòa án. Đơn kiện sẽ phải được đệ trình trong vòng 165 ngày kể từ khi dự luật được Tổng thống thông qua.
Trước đây, Tiktok đã kiện Mỹ vào năm 2020 khi Trump ban hành lệnh chặn mạng xã hội này trong nước, đồng thời yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi đây trong vòng 90 ngày cũng như từ bỏ bất kỳ dữ liệu nào mà họ thu thập được từ người dùng Mỹ.
Một thẩm phán đã chặn lệnh này chỉ vài giờ trước khi chúng có hiệu lực và Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm khi lên nhậm chức.
Trên thực tế, Tiktok đã từng tính đến việc tách hoạt động tại Mỹ khỏi công ty mẹ ByteDance nhưng vào năm 2020, Trung Quốc đã cập nhật các quy tắc mới nhằm đảm bảo quyền thống trị của mình trong các thương vụ như trên, khiến mạng xã hội này lâm vào thế kẹt giữa 2 cường quốc.
Năm 2023, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố họ "kiên quyết phản đối" việc ép buộc bán Tiktok khỏi ByteDance.
Phía Tiktok đã cố gắng xoa dịu những lo ngại của Mỹ bằng nhiều phương án như niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước này, nhưng chúng vẫn không được các chính trị gia hài lòng.
*Nguồn: FT
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống