Cuộc tranh cãi này đã bắt đầu vào tháng 8 khi họa sĩ minh họa có nghệ danh Snow Fish lên tiếng cáo buộc rằng mạng xã hội tư nhân Xiaohongshu đã sử dụng tác phẩm của cô để đào tạo công cụ AI có tên Trik AI. Điều đáng chú ý là cô không hề được thông báo hoặc xin phép trước đó.
Cô chỉ biết đến vấn đề này khi bạn bè gửi cho cô các bài đăng về tác phẩm nghệ thuật trên Xiaohongshu, trông rất giống với phong cách của cô từ nét vẽ, điểm sáng màu đỏ và cam đến miêu tả phong cảnh thiên nhiên.
Trik AI là dự án chuyên tạo ra tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số theo phong cách tranh truyền thống Trung Quốc. Hiện dự án này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được ra mắt chính thức.
Snow Fish đã đặt ra câu hỏi trên trang cá nhân: "Trik AI, bạn có thể giải thích cho tôi tại sao hình ảnh do AI tạo ra của bạn lại giống với tác phẩm gốc của tôi đến vậy không?". Bài viết nhanh chóng được lan truyền rộng rãi đến những người theo dõi cô và cộng đồng nghệ sĩ.
Cuộc tranh cãi này đã diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc công bố quy tắc về những sản phẩm AI tạo ra, trở thành một trong những chính phủ đầu tiên quản lý công nghệ này.
Trik AI và Xiaohongshu chưa công bố các tài liệu được sử dụng để đào tạo chương trình AI của họ và chưa có phản hồi công khai về các cáo buộc này.
Snow Fish cho biết một người sử dụng tài khoản Trik AI chính thức đã xin lỗi cô bằng tin nhắn riêng. Người này thừa nhận đã sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của cô để huấn luyện chương trình AI và đồng ý xóa các bài đăng liên quan. Tuy nhiên, Snow Fish mong muốn một lời xin lỗi công khai từ chính Trik AI.
Cuộc tranh cãi đã làm dấy lên các cuộc phản đối trực tuyến trên Internet Trung Quốc phản đối tạo và sử dụng các hình ảnh do AI tạo ra. Trong đó, một số nghệ sĩ khác cho rằng tác phẩm của họ đã bị sử dụng tương tự mà họ không hề hay biết.
Hàng trăm nghệ sĩ đã đăng biểu ngữ trên Xiaohongshu với nội dung “Nói không với hình ảnh do AI tạo ra”.
Cuộc tẩy chay AI ở Trung Quốc diễn ra khi các cuộc tranh luận về việc sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật và giải trí đang diễn ra trên toàn cầu. Trong những tháng gần đây, các nhà văn và diễn viên đình đám cùng hàng loạt các nhà sản xuất phim và truyền hình ở Mỹ đã biểu tình vì một loạt vấn đề - bao gồm cả việc sử dụng AI của hãng phim.
Nhiều nghệ sĩ đã kêu gọi nhà nước cần có những quy định tốt hơn để bảo vệ tác phẩm trực tuyến của họ. Đây cũng là sự lo lắng của giới nghệ sĩ trên khắp thế giới về sinh kế của họ.
Những mối lo ngại này ngày càng tăng khi cuộc đua phát triển AI ngày càng nóng lên. Các công cụ mới được phát triển và phát hành gần như nhanh hơn mức chính phủ có thể quản lý, từ chatbot như ChatGPT của OpenAI đến Bard của Google.
Những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc cũng đang nhanh chóng phát triển trí tuệ nhân tạo riêng, từ ERNIE Bot của Baidu ra mắt vào tháng 3 cho đến chatbot của SenseTime. Bên cạnh Trik AI, Xiaohongshu cũng đã phát triển một chức năng mới có tên "Ci Ke", cho phép người dùng đăng nội dung bằng cách sử dụng hình ảnh do AI tạo ra.
Các cuộc tẩy chay tương tự đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, khi các công cụ tạo hình ảnh AI trở nên phổ biến. Các chuyên gia cũng đã nêu ra rằng việc quản lý công nghệ này trên phạm vi toàn cầu đang là một thách thức lớn đối với các chính phủ và cộng đồng nghệ sĩ.
“Lần phản đối này như một ngọn lửa bùng phát. Nếu nó dễ dàng dập tắt mà không có bất kỳ tiếng vang nào và mọi người sẽ giữ im lặng thì những nhà phát triển AI đó sẽ tiếp tục làm tổn hại đến quyền lợi của chúng tôi”, Snow Fish tuyên bố.
Một họa sĩ người Trung Quốc khác là Zhang cũng tham gia cuộc tẩy chay này. Zhang nói: “Họ thật vô liêm sỉ khi không tốn chút sức lực nào. Họ chỉ lấy tác phẩm của các nghệ sĩ khác và tuyên bố đó là của mình. Liệu điều đó có phù hợp không?”
“Trong tương lai, hình ảnh AI sẽ chỉ rẻ hơn trong mắt mọi người, giống như túi nhựa. Chúng sẽ trở nên phổ biến như ô nhiễm nhựa”, Zhang ví von và nói thêm rằng các nhà lãnh đạo công nghệ và nhà phát triển AI quan tâm đến lợi nhuận của chính họ hơn là quyền của nghệ sĩ.
Tianxiang He, Phó Giáo sư luật Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, việc sử dụng hình ảnh do AI tạo ra cũng đặt ra câu hỏi lớn hơn trong cộng đồng nghệ thuật về những gì được coi là nghệ thuật thực sự và làm thế nào để bảo tồn giá trị tinh thần.
Các chính phủ trên khắp thế giới hiện đang vật lộn với việc làm thế nào để thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ trên phạm vi rộng. Liên minh châu Âu là một trong những nơi đầu tiên đặt ra các quy tắc vào tháng 6 về cách các công ty có thể sử dụng AI. Trong đó, Mỹ vẫn đang tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà lập pháp và các công ty công nghệ để xây dựng luật.
Trung Quốc cũng là nước sớm áp dụng quy định về AI, công bố các quy định mới có hiệu lực vào tháng 8. Tuy nhiên, luật cuối cùng được ban hành đã nới lỏng một số quy định so với các bản thảo trước đó.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống