Hiện nay, kinh tế số là xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới.
Việt Nam sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân. Đồng thời, môi trường số được xây dựng, phát triển an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Kinh tế số giúp kinh tế tạo bứt phá thời kỳ hậu COVID-19 trên nền tảng lực lượng lao động được số hoá.
Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân 7%/ năm, thuộc 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ, năm 2020 là năm "bão táp" với toàn thể nhân loại. Dịch COVID-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới dự kiến, năm 2020, nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm đến 5,2%. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng giúp doanh nghiệp thức tỉnh, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.
Trong tương lai gần, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo ra nhiều đột phá sâu rộng về quy mô, tốc độ phát triển trong nhiều lĩnh vực. Quá trình chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và là yếu tố sống còn của nhiều doanh nghiệp.
Thế giới đã, đang và sẽ phải duy trì trạng thái bình thường mới để đạt được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo ông Trử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, đại dịch COVID-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, song cũng khiến cả thế giới phải thay đổi. Doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế. Chuyển đổi số là chìa khóa giúp các doanh nghiệp thoát hiểm và bứt tốc trên hành trình phát triển.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH chia sẻ, chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm. Dự báo đến năm 2030, thế giới sẽ có 1,4 tỉ công nhân không có kỹ năng phù hợp, 1/3 số ngành nghề hiện tại thay đổi do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), CNTT. Trong quá trình chuyển đổi số, nhận thức mang tính quyết định, con người là trung tâm, thể chế là động lực, quan trọng nhất là các lực lượng cần đồng hành để thành công.
Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Tuy nhiên, thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam là việc thay đổi thói quen lao động, trình độ, nhận thức và kỹ năng sử dụng CNTT. Kỹ năng số trong giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quan trọng trong phát triển nhân lực số để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế số.
Để nền kinh tế số vận hành ổn định, CNTT và đảm bảo an toàn an ninh mạng được coi là yếu tố quan trọng, nền tảng cho các hoạt động của doanh nghiệp, giao dịch thương mại, quản lý nhà nước cũng như kết nối của người dân với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ TT&TT chia sẻ, các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam nỗ lực xây dựng, hình thành các nền tảng công nghệ Made in Vietnam cũng như các nền tảng chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.
Theo Tạp chí Điện tử
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống