Những hoàng đế Trung Quốc không thích sống trong Tử Cấm Thành

 

Tử Cấm Thành rộng khoảng 720.000 m2, là một trong những khu phức hợp cung điện lớn nhất thế giới với hơn 980 tòa nhà.

Sau khi lật đổ nhà Minh, người Mãn Châu đánh chiếm Bắc Kinh, lập ra nhà Thanh. Tuy nhiên, các hoàng đế vĩ đại nhất nhà Thanh là Khang Hi, Ung Chính và Càn Long, đều không thích sống trong Tử Cấm Thành. 

Từ trái qua phải: Khang Hi, Ung Chính, Càn Long.

Từ trái qua phải: Khang Hi, Ung Chính, Càn Long. 

Khang Hi (1654- 1722) - vị hoàng đế thứ ba của nhà Thanh, trị vì Trung Quốc 61 năm. Ông được đánh giá là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc. Dưới thời cai trị của ông, đế quốc Đại Thanh thống nhất, kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, Mãn Châu, Đài Loan, một số vùng cận Đông nước Nga, bảo hộ Mông Cổ và Triều Tiên.

Ông là người yêu thiên văn, địa lý, thích tự tay dạy dỗ các hoàng tử. Phần lớn thời gian Khang Hi sinh sống trong Sướng Xuân Viên, khu vườn hoàng gia được ông cho xây dựng và cải tạo từ phế tích "Thanh Hoa Viên" là biệt thự của Lý Vĩ, ông ngoại của Vạn Lịch Đế, hoàng đế thứ 14 nhà Minh.

Khu vườn cải tạo trong ba năm, từ 1684 tới 1687 và đổi tên thành Sướng Xuân Viên. Sướng Xuân Viên rộng 0,6 km2, tập hợp kiến trúc lâm viên vùng Giang Nam và kiến trúc lâm viên cung đình phương Bắc, được gọi là "Kinh sư đệ nhất viên".

Sau khi Khang Hi qua đời năm 1722, Sướng Xuân Viên được chuyển làm phòng sách. Ngày nay, khu vườn là một phần khuôn viên Đại học Bắc Kinh. 

Sơ đồ Sướng Xuân Viên thời xưa. (Ảnh: Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh)

Sơ đồ Sướng Xuân Viên thời xưa. (Ảnh: Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh)

Năm 1707, hoàng tử Dận Chân (1678-1735), con trai thứ tư của Khang Hi, được ban cho một khu đất nằm ở phía Bắc Sướng Xuân Viên. Nơi đây sau đó được Khang Hi đặt tên Viên Minh Viên. Vào năm 1709, một số công trình nhỏ bắt đầu được xây dựng ở đây.

Dận Chân sau khi lên ngôi lấy hiệu là Ung Chính, dành chủ yếu thời gian sinh sống ở Viên Minh Viên và tiếp tục cho xây dựng khu vườn. Việc xây dựng kéo dài tới thời Càn Long (1711-1799)

Dưới thời Càn Long, Viên Minh Viên được hoàn thành với hơn 40 công trình và khu vực lớn nhỏ. Tiêu biểu trong số đó gồm điện Chính Đại Quang Minh là nơi bậc đế vương tổ chức yến tiệc; điện Cần Chính Thân Hiền là nơi nhà vua sinh sống và làm việc trong mùa hè. Ngoài ra có các điện: Cửu Châu Thanh Yên; Trường Xuân Tiên Quán.

Về sau, Sướng Xuân Viên trở thành nơi ở của Sùng Khánh hoàng thái hậu trong hơn 40 năm.

Tranh vẽ khu vực điện Chính Đại Quang Minh ở Viên Minh Viên. (Ảnh: Baidu)

Tranh vẽ khu vực điện Chính Đại Quang Minh ở Viên Minh Viên. (Ảnh: Baidu)

Theo các nhà sử học Trung Quốc, sở dĩ các hoàng đế nhà Thanh không thích ở trong Tử Cấm Thành, vì họ nhận thấy cung điện không phù hợp với thói quen sinh sống của người Mãn Châu. 

Tử Cấm Thành chủ yếu xây bằng gỗ, dễ phát sinh hỏa hoạn. Tường thành cao có thể ngăn lửa lan rộng nhưng không có lợi cho không khí lưu thông. Vào mùa hè, khí hậu vừa nóng vừa khô, khiến Tử Cấm Thành như lò bát quái.

Trong khi đó, người Mãn Châu quen sống ở phương Bắc lạnh giá, nên các đời vua này đã cho xây dựng các lâm viên hoàng gia, biến các khu vườn thành nơi ở thực sự thay thế Tử Cấm Thành.

Hồng Phúc(Theo Pear/Baidu)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống