Tàu thăm dò Mặt Trời của NASA lập kỷ lục bay nhanh nhất lịch sử nhân loại

 

Cách tàu vũ trụ Parker thăm dò Mặt Trời. (Nguồn: NASA)

Sự kiện hôm 27/7 đánh dấu bước ngoặt trong lần bay quanh Mặt Trời thứ 17 của nhiệm vụ, khi tàu vũ trụ Parker thu thập dữ liệu về những cơn gió hạt tích điện bị nung nóng và từ trường dữ dội xung quanh ngôi sao gần Trái Đất nhất.

Kỷ lục mới được xác lập chưa đầy 3 năm, sau kỷ lục tốc độ trước đó là 586.863,4km/h cũng của tàu Parker. Để so sánh, ở tốc độ cao như vậy, một tàu vũ trụ có thể bay vòng quanh Trái Đất 15 lần một giờ hoặc bay từ New York tới Los Angeles, Mỹ, chỉ trong hơn 20 giây, theo Science Alert.

Không chỉ đạt tốc độ kỷ lục, tàu Parker còn bay gần Mặt Trời nhất, chỉ cách 7,26 triệu km phía trên đại dương plasma được cho là bề mặt của ngôi sao. Do Mặt Trời đường kính gần 1,4 triệu km, khoảng cách này giống như chỉ đứng cách đống lửa trại vài bước chân, đủ gần để ngửi thấy mùi khói nhưng không đến mức bị cháy sém tóc.

Thành tựu này không phải là kết quả của nhiên liệu đẩy mạnh mà đến từ chuỗi thao tác căn thời gian và quỹ đạo bay hoàn hảo.

Để hoàn thành nhiệm vụ, tàu Parker cần bay xuyên qua vành nhật hoa của Mặt Trời. NASA điều khiển tàu thăm dò bay qua sao Kim để tận dụng lực hấp dẫn của hành tinh, khiến tàu di chuyển chậm lại theo chiều xoắn ốc. Sau tổng cộng 24 vòng quanh quỹ đạo sao Kim, cuối cùng tàu Parker có thể tiếp cận Mặt Trời và thu thập hàng loạt thông tin giúp các nhà nghiên cứu lập mô hình tốt hơn về hoạt động của Mặt Trời.

Tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trời Parker của NASA.

Tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trời Parker của NASA.

Hiện tàu Parker còn bảy vòng nữa bay quanh Mặt Trời, chắc chắn sẽ xuất hiện ​​những kỷ lục mới. 

Từ khi phóng vào tháng 8/2018, tàu Parker liên tục lập nhiều kỷ lục. Nó xô đổ kỷ lục vào năm 1976 của tàu vũ trụ Helios 2, trở thành vật thể nhân tạo đến gần Mặt Trời nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, Parker cũng là tàu vũ trụ đầu tiên bay xuyên qua lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời.

Được thiết kế với tấm chắn nhiệt tiên tiến, nhiệm vụ của tàu thăm dò là nghiên cứu vành nhật hoa và thu thập dữ liệu quan trọng. Mục tiêu chung là khám phá cấu trúc Mặt Trời, vành nhật hoa và nguồn gốc gió Mặt Trời. Những thông tin như vậy cực kỳ quan trọng bởi các quá trình Mặt Trời có thể ảnh hưởng tới thời tiết vũ trụ, đe dọa vệ tinh, mạng lưới liên lạc, thậm chí lưới điện trên Trái Đất.

Đầu tháng 9, Parker bay qua một trong những cơn phun trào vành nhật hoa (CME) dữ dội nhất từng được quan sát. Sự kiện này kiểm chứng giả thuyết cách đây hai thập kỷ cho rằng CME tương tác với bụi liên hành tinh, giúp ích cho việc dự đoán thời tiết vũ trụ.

Trà Khánh(Nguồn: sciencealert.com)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống