Năm 1994, khi kỹ sư Masahiro Hara tại công ty Denso Wave phát minh ra mã vạch hai chiều QR, ông không thể ngờ rằng hệ thống ghi nhãn các phụ tùng ô tô của mình sẽ trở thành một trụ cột quan trọng trong hoạt động trao đổi tiền tệ toàn cầu.
Nằm ngoài mong đợi của ông Hara, sáng kiến này đã trở thành một hình thức chuyển tiền không cần tiếp xúc được ưa chuộng trên khắp châu Á và Mỹ Latinh, khởi đầu với ứng dụng thanh toán Alipay và WeChat của Trung Quốc cách đây 12 năm. Những người bán hàng nhỏ lẻ không đủ kinh phí để mua thiết bị quẹt thẻ tín dụng đắt tiền chính là những người được hưởng lợi lớn nhất. Cùng với đó là những người tiêu dùng không có khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng. Chỉ riêng tại Đông Nam Á, đã có 80 loại ví điện tử được trên 200 triệu người sử dụng.
Bây giờ là thời điểm để hướng đến điều quan trọng tiếp theo: Tích hợp các ứng dụng thanh toán khác nhau để một ngày nào đó một mã QR duy nhất sẽ hoạt động ở mọi nơi trên thế giới.
Pix QR của Brazil, UPI QR của Ấn Độ, QRIS của Indonesia, QR Ph của Philippines và SGQR của Singapore đều là những ví dụ thành công khi thực hiện ý tưởng rằng người bán không cần phải giơ ra nhiều loại mã vạch để nhận tiền từ các nguồn khác nhau.
Một mã QR duy nhất sẽ tương thích với mọi ứng dụng và ví của người tiêu dùng. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải đạt được một mục tiêu khác nữa. Đó là khách du lịch nước ngoài phải có khả năng sử dụng điện thoại thông minh và thanh toán hóa đơn giống như người dân địa phương. Các hệ thống thanh toán quốc gia, giống như của Ấn Độ, đang tích cực tham gia những thỏa thuận cho phép những quốc gia khác cùng sử dụng.
Các nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang liên kết mã QR chung của khối này với 18 triệu khách du lịch nội vùng chi tiêu khoảng 19 tỷ USD mỗi năm. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, với tiềm năng chiếm thị phần 15% - 20% lượng giao dịch, mã QR chung của ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chi tiêu của người tiêu dùng trị giá 4 tỷ USD và truyền cảm hứng cho phần còn lại của thế giới.
Để đi được đến vạch đích như vậy, cần phải xây dựng những nền tảng vững chắc. Việc hợp nhất các kênh thanh toán vào một kho lưu trữ duy nhất hiện chưa dễ dàng. Ví dụ: các cửa hàng ở Singapore hiển thị mã QR chung cần phải tự đăng ký nhiều phương thức thanh toán. Chỉ khi đó họ mới có thể chấp nhận Alipay, GrabPay, NETS, ShopeePay và UnionPay, cùng nhiều dịch vụ khác.
Tuy nhiên, trong tháng này, chính quyền Singapore đang thử nghiệm một chiến lược mới. Đây là bước đi mới nhất của Singapore để hướng tới một xã hội không tiền mặt và thúc đẩy chương trình nghị sự “quốc gia thông minh”. Phiên bản cải tiến của mẫu QR chung là SGQR+ chỉ cần các nhà bán lẻ tham gia một thỏa thuận duy nhất để chấp nhận thanh toán từ bất cứ ví điện tử nào trong số 23 ví và ứng dụng thành viên. Nó tương tự như hệ thống thanh toán mã QR WeChat của Trung Quốc, chứa tất cả các tài khoản thanh toán không sử dụng tiền mặt của nước này trong cùng một hệ thống đồng nhất.
Hai công ty Visa và Mastercard sau khi cung cấp các tùy chọn mã QR riêng trong vòng 6 - 7 năm qua, cũng sẽ hòa nhập xu hướng trên thông qua XNAP, một mạng lưới thanh toán xuyên biên giới. Google Pay đang lên kế hoạch triển khai động thái tương tự.
Thử nghiệm về mã thanh toán chung này là điều mà các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Bắc Mỹ cần theo dõi chặt chẽ. Cho đến nay, họ vẫn chưa quan tâm đúng mức đến QR vì thanh toán không tiếp xúc của người tiêu dùng đang được thực hiện nhờ công nghệ giao tiếp trường gần (NFC). Đây là công nghệ chuyển tiền và dữ liệu không dây giữa các thiết bị ở gần nhau.
Cần lưu ý, Singapore cũng là một thị trường thanh toán phát triển và sử dụng NFC rộng rãi. Theo phân tích của EY-Parthenon, 57% giao dịch bán lẻ tại trung tâm tài chính này trong năm ngoái được thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Trong 18% trường hợp sử dụng ví kỹ thuật số, người tiêu dùng thanh toán 97% giao dịch mà không quét mã QR. Họ đã sử dụng các phương pháp nhanh hơn, chẳng hạn như thẻ hỗ trợ NFC được lưu trữ trong Apple Pay.
Lý do khiến Singapore vẫn quyết tâm điều chỉnh hoạt động thanh toán dựa trên mã QR không phải là thị phần ít ỏi 3% trong giao dịch ví kỹ thuật số, mà xuất phát từ mức tăng trưởng gộp hàng năm 72% trong 5 năm qua. Sức mở rộng nhanh chóng này đang được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu chuyển đổi số trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Khi cân nhắc đến yếu tố 19% giao dịch tại điểm bán hàng của Singapore vào năm ngoái là bằng tiền mặt, chương trình Hawkers Go Digital của chính phủ nước này vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Việc tạo điều kiện để các xe bán đồ ăn và người bán hàng rong nhận được lợi nhuận lớn nhất có thể từ khách du lịch xứng đáng là một mục tiêu cần quan tâm hơn ở bất kỳ nền kinh tế nào, dù đã phát triển hay đang phát triển.
Thành công của SGQR+ có thể nhân rộng thành sáng kiến toàn cầu. Mục đích cuối cùng rất rộng lớn, trong đó ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng có thể không cần sử dụng tiền mặt và chấp nhận tiền của mọi khách hàng, dù trong nước hay nước ngoài. Du khách nước ngoài vẫn sẽ sử dụng ứng dụng hàng ngày quen thuộc và nhận điểm khách hàng thân thiết thường xuyên.
Dù mang tính hiệu quả cao nhờ chứa đựng nhiều dữ liệu, nhưng chưa thể khẳng định mã vạch của Denso Wave sẽ là điểm dừng chân cuối cùng để trao đổi giá trị tiền tệ. Nhưng tiềm năng toàn diện của mã QR hứa hẹn sẽ phát huy khi chúng ta có một QR chung cho tất cả các khoản thanh toán trên thế giới.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống