Trung Quốc ra mắt mạng Internet nhanh nhất thế giới

 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc đã đi trước cả thế giới khi ra mắt dịch vụ Internet thế hệ tiếp theo sớm hai năm so với dự kiến. Mạng Internet này có tốc độ nhanh gấp 10 lần so với các mạng chính hiện nay.

Trước đó, các chuyên gia dự đoán mạng tốc độ cực cao 1 terabit/giây sẽ không xuất hiện trước năm 2025.

Là tuyến mạng lõi (backbone network) chủ lực để kết nối các thành phố lớn ở Trung Quốc, nó có thể truyền dữ liệu với tốc độ 1,2 terabit mỗi giây giữa Bắc Kinh ở miền Bắc, Vũ Hán ở miền Trung và Quảng Châu ở phía Nam.

Đường dây cáp quang trải dài hơn 3.000km này được kích hoạt từ tháng 7 và chính thức ra mắt vào ngày 13/11, sau khi vượt qua tất cả các thử nghiệm vận hành.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Thành tựu trên là kết quả của sự hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và các tập đoàn công nghệ viễn thông China Mobile, Huawei Technologies và Cernet Corporation. 

Hầu hết các mạng lõi trên thế giới chỉ hoạt động ở tốc độ 100 gigabit mỗi giây. Ngay cả Mỹ cũng chỉ mới hoàn thành quá trình chuyển đổi sang Internet2 thế hệ thứ năm với tốc độ 400 gigabit mỗi giây.

Kết nối truyền tải dữ liệu Bắc Kinh - Vũ Hán - Quảng Châu là một phần trong kế hoạch phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghệ Internet Tương lai của Trung Quốc (FITI). Thời hạn triển khai của dự án này là 10 năm.

Trưởng dự án FITI, ông Wu Jianping cho biết mạng Internet siêu tốc này không chỉ hoạt động thành công mà còn mang lại cho Trung Quốc nền tảng công nghệ tiên tiến để xây dựng một mạng Internet nhanh hơn thế. 

Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Technologies, Wang Lei giới thiệu mạng thế hệ mới có khả năng truyền dữ liệu tương đương 150 bộ phim độ phân giải cao chỉ trong một giây.

Trong khi đó, ông Xu Mingwei tại Đại học Thanh Hoa đã so sánh tuyến Internet mới với một đường ray xe lửa siêu tốc, đủ sức mạnh thay thế 10 đường ray thông thường mang cùng một lượng dữ liệu. Nhờ đó, hệ thống truyền tải sẽ tiết kiệm chi phí hơn và dễ quản lý hơn.  

Mạng lõi đóng vai trò then chốt đối với các chương trình giáo dục và nghiên cứu quốc gia, cũng như nhu cầu truyền dữ liệu ngày càng tăng nhanh từ các ứng dụng như xe điện và hầm mỏ sử dụng công nghệ 5G công nghiệp.

(Nguồn: Báo Tin tức )

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống