Xử phạt VNG vì cung cấp game có nội dung không đúng phê duyệt

 
TIN MỚI

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần VNG do cung cấp 6 trò chơi điện tử G1 không đúng với nội dung kịch bản đã được phê duyệt.

Sáu Game G1 của VNG bị “tuýt còi” lần này gồm Tú Lơ Khơ, Poker Việt Nam, Crazy Tiến Lên, Tiến Lên Miền Nam, Cờ Cá Ngựa và Cờ Tướng.

Game G1 là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

Theo quy định, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Cơ quan chức năng cũng ban hành hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến số 03/QĐ-TCTT ngày 16/01/2009 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp cho Công ty Cổ phần VNG trong hai tháng.

Xử phạt VNG vì cung cấp game có nội dung không đúng phê duyệt - Ảnh 1.

VNG bị xử phạt do cung cấp game có nội dung không đúng phê duyệt.

Trước đó, cuối tháng 11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM) do doanh nghiệp này tiếp tục có vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Cụ thể, GroupM có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vào kênh mạng xã hội YouTube có nội dung vi phạm pháp luật. Tổng mức phạt đối với GroupM là 35 triệu đồng.

Trước đó, GroupM đã 2 lần bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng hành vi (đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam vào nội dung vi phạm pháp luật trên kênh mạng xã hội YouTube).

Với việc tái phạm nhiều lần, cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo thời gian tới sẽ có các hình thức xử lý quyết liệt hơn nếu GroupM vi phạm.

Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian gần đây, việc các quảng cáo "sạch" được gắn trong các nội dung "xấu độc", phản động, chống phá Đảng, Nhà nước trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn tồn tại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp mà còn có nguy cơ tạo "bẫy" khiến các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông công khai "Danh sách nội dung "xấu độc" trên mạng" (Black List) để khuyến cáo doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo trên các đối tượng đó.

Đồng thời, Bộ xây dựng và cập nhật thường xuyên "Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng" (White List) để khuyến nghị các nhãn hàng, đại lý ưu tiên quảng cáo.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống