Góp phần thực thi NDC
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng thị trường các-bon với mục tiêu năm 2025 sẽ thử nghiệm, sau đó sẽ hoàn thiện chính sách để vận hành chính thức Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS) vào năm 2028. Việc phát triển thị trường các-bon được xem là chìa khóa để Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 cũng như góp phần đạt mục tiêu trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Ông Nguyễn Tuấn Quang thông tin tại chương trình tập huấn thị trường các-bon cho các doanh nghiệp khu vực phía Bắc. |
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với mục tiêu tự nguyện giảm 15,8% và giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ của quốc tế so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030, việc xây dựng một ETS hiệu quả sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu trong NDC.
Bằng cách đặt một hạn mức về tổng lượng phát thải sau đó phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp (DN) dựa theo tổng hạn mức đó (mỗi hạn ngạch là quyền được phát thải 1 tCO2 tương đương) và cho phép DN mua bán hạn ngạch phát thải, ETS tạo ra các động lực kinh tế giúp các DN tìm giải pháp giảm lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của họ một cách hiệu quả. Ngoài ra, doanh thu từ việc đấu giá hạn ngạch có thể được tái đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu, hỗ trợ thêm cho các nỗ lực của quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, để đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK, ngoài giải pháp chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng và áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia còn áp dụng công cụ định giá các-bon. Trong đó, các công cụ phổ biến được áp dụng là: Thuế các-bon, ETS, cơ chế tín chỉ các-bon. Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các công cụ định giá các-bon. Nổi bật như ETS của Liên minh châu Âu, đã hoạt động từ năm 2005 và giúp giảm 37% lượng phát thải KNK từ các nhà máy điện và công nghiệp.
Chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng nhằm giảm phát thải đồng thời có thể tạo ra tín chỉ các-bon. |
Việt Nam đã xác định công cụ định giá các-bon, cụ thể là ETS hay thị trường các-bon bắt buộc tuân thủ sẽ là trọng tâm trong chính sách nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK.
“Thị trường các-bon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK với chi phí của DN và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.”, ông Quang nhấn mạnh.
Việt Nam đã sớm tham gia thị trường các-bon
Mặc dù khái niệm thị trường các-bon, hay ETS còn khá mới mẻ ở Việt Nam tuy nhiên theo bà Đặng Hồng Hạnh - Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC): Hiện thị trường các-bon Việt Nam đang được xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế từ giữa những năm 2000 thông qua cơ chế phát triển sạch CDM và từ năm 2006 là cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), từ năm 2008 là cơ chế Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS) và cơ chế Tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013...
Bà Đặng Hồng Hạnh hướng dẫn doanh nghiệp thực hành thị trường các-bon mô phỏng sử dụng công cụ mô phỏng CarbonSim. |
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 300 chương trình/dự án đăng ký, trong đó có khoảng 150 chương trình/dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường các-bon quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia có dự án CDM đăng ký nhiều nhất chỉ sau Trung Quốc, Brazin, Ấn Độ.
Riêng tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Các dự án được cấp tín chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Tuy nhiên, để thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong nước, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại điều 139 và quy định các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.
Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu với tổng công suất 99.2 MW, ước tính giảm phát thải khoảng 143.761 tCO2 mỗi năm. Đây là một trong những dự án tín chỉ các-bon tiêu biểu của Việt Nam. |
Bà Đặng Hồng Hạnh nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành lộ trình triển khai thị trường các-bon tuân thủ trong nước với mục tiêu quan trọng là thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025 và chính thức vào năm 2028.
Song với việc tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế. Đồng thời, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực nâng cao nhận thức về thị trường các-bon là hoạt động rất quan trọng và nhằm giúp các DN tham gia vào thị trường các-bon.
“Tuy nhiên, chúng ta phải chờ kết quả giai đoạn thí điểm vận hành thị trường các-bon thì mới có thể đề xuất quy định về thị trường các-bon Việt Nam đầy đủ trước khi vận hành chính thức vào năm 2028”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống