Na Uy tiến hành Phiên đấu thầu đầu tiên cho trang trại gió ngoài khơi quy mô thương mại ở Biển Bắc
Phát biểu với Đài phát thanh NRK trong cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Terje Aasland cho biết cuộc đấu thầu đã diển ra tốt đẹp trong hôm Thứ Hai, sẽ tiếp tục được tiếng hành trong hôm thứ Ba (19/3), cho rằng việc diễn ra các cuộc đấu thầu hôm Thứ Ba "là rất tốt đối với Na Uy”.
Bộ Năng lượng Na Uy cho biết: “Cuộc đấu giá đã diễn ra suốt cả ngày Thứ Hai và tạm dừng. Cuộc đấu giá sẽ bắt đầu lại vào lúc 09:00 (giờ địa phương) hôm thứ Ba”.
Bộ Năng lượng Na Uy sẽ công bố người chiến thắng khi cuộc đấu thầu kết thúc, tuy nhiên, từ chối cho biết có bao nhiêu nhóm tham gia đấu thầu.
Trước đó, một số nhà phân tích đã lo ngại sẽ không có hồ sơ dự thầu nào được thực hiện trong bối cảnh chi phí phát triển ngành công nghiệp gió ngoài khơi toàn cầu tăng cao.
Phát biểu với Reuters trước khi bắt đầu cuộc đấu thầu, Astrid Bergmaal, Quốc vụ khanh của Bộ Năng lượng Na Uy, nói rằng hy vọng sẽ có một cuộc đấu giá tốt với sự tham gia của một số công ty mạnh muốn phát triển năng lượng gió ngoài khơi tại khu vực Soerlige Nordsjoe II.
Soerlige Nordsjoe II nằm gần biên giới Biển Bắc của Na Uy với Đan Mạch và cách bờ biển Na Uy khoảng 200 km (124 dặm). Đây là một phần trong tham vọng lớn hơn của Chính phủ Na Uy muốn cung cấp 30 GW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2040.
Các công ty Nhật Bản hợp tác thúc đẩy phát triển điện gió nổi ngoài khơi
Một nhóm 14 công ty năng lượng Nhật Bản, trong đó có đơn vị năng lượng gió của Mitsubishi, JERA và Tokyo Gas, đã thành lập một Hiệp hội nhằm thúc đẩy phát triển các trang trại gió nổi ngoài khơi và cùng nhau tạo ra công nghệ mới. Một số thành viên khác là đơn vị năng lượng của Nippon Telegraph and Telephone, Công ty Điện lực Tohoku, Công ty Điện lực Kansai và đơn vị điện gió của Marubeni Corp.
Các công ty này cho biết họ đã thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Công nghệ gió nổi ngoài khơi để hiện thực việc thương mại hóa các trang trại gió nổi ngoài khơi quy mô lớn trên diện rộng bằng cách cùng phát triển công nghệ và tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế với các tổ chức nước ngoài.
Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất điện gió ngoài khơi lớn, với việc Chính phủ Nhật Bản hướng tới các dự án 10 gigawatt (GW) vào năm 2030 và lên tới 45 GW vào năm 2040, như một phần của nỗ lực khử cacbon, trong đó phát triển năng lượng gió nổi ngoài khơi là điều cần thiết.
Trong một tuyên bố, Nhóm cho biết năng lượng gió nổi ngoài khơi được coi là một cách để đảm bảo Nhật Bản có nguồn cung cấp năng lượng ổn định và bền vững và sự phát triển của năng lượng gió ngoài khơi cũng sẽ kích thích nền kinh tế địa phương và thúc đẩy các ngành công nghiệp Nhật Bản.
Động thái này diễn ra khi Chính phủ Nhật Bản tuần này phê duyệt dự thảo sửa đổi luật hiện hành cho phép lắp đặt năng lượng gió ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), một dấu mốc hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của Nhật Bản vào năm 2050.
Luật mới sẽ cho phép các trang trại gió được lắp đặt xa hơn ngoài biển, từ vùng lãnh hải và nội thủy hiện nay, sang vùng đặc quyền kinh tế, là vùng biển mà các quốc gia ven biển có quyền thăm dò khoáng sản và đánh bắt cá.
Octopus Energy đầu tư vào Lintas Green Energy
Chi nhánh phát điện của Octopus Energy đã đầu tư vào nhà phát triển năng lượng tái tạo Lintas Green Energy nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng của Đức, giảm hóa đơn năng lượng cho khách hàng trong khi vẫn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Thỏa thuận này cho biết Quỹ Octopus Sky nắm 50% cổ phần của Lintas Green Energy, một nhà phát triển năng lượng xanh có trụ sở tại Oldenburg, có kinh nghiệm và đang phát triển nhanh với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trên toàn nước Đức. Khoản đầu tư này sẽ giúp xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới, hướng tới mục tiêu đạt 1 GW vào năm 2030, đủ năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho 370.000 ngôi nhà ở Đức.
Lintas Green đã xây dựng các dự án năng lượng xanh ở các khu vực như Lower Saxony, một bang của nước Đức lần đầu tiên đáp ứng 100% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo của chính bang này trong năm 2023. Nhà phát triển năng lượng xanh hiện có hơn 20 dự án đang phát triển nhanh chóng ở một số bang khác, như Hesse, Bavaria và Saxony-Anhalt.
Nguồn tài trợ của Octopus sẽ cho phép công ty Lintas Green mở rộng hơn nữa và hình thành các thỏa thuận cung cấp năng lượng để giúp các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng giảm thiểu hoạt động phát thải cacbon.
Thông tin này được đưa ra khi Octopus tăng cường hoạt động năng lượng tái tạo ở Đức, với kế hoạch chuyển hơn 1 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch của Đức vào năm 2027.
Octopus gia nhập thị trường năng lượng tái tạo của Đức vào tháng 6/2022 và đã nhanh chóng đẩy nhanh các dự án của mình. Đây là khoản đầu tư thứ 8 của Octopus vào thị trường Đức và tiếp theo sau thương vụ mua lại trang trại năng lượng mặt trời Schiebsdorf, trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ.
Octopus cũng đang hợp tác với các tập đoàn lớn của Đức để giúp cắt giảm lượng khí thải. Mới tháng trước, Octopus đã đạt được thỏa thuận với một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất đất nước, Tập đoàn Salzgitter, để cung cấp năng lượng mặt trời cho việc sản xuất thép xanh.
“Đức đã dẫn đầu phong trào ‘Energiewende’ toàn cầu kể từ những năm 80. Alex Brierley, đồng giám đốc bộ phận quản lý quỹ của Octopus Energy Generation, cho biết: “Chúng tôi tự hào có thể giúp đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này bằng cách hỗ trợ các dự án xanh và các nhà phát triển đang hướng tới một tương lai sạch hơn, rẻ hơn”. “Thỏa thuận mới nhất này với Lintas Green Energy là thỏa thuận năng lượng tái tạo thứ 8 của chúng tôi ở Đức và là khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi vào một công ty tạo ra năng lượng xanh mới – và đây sẽ không phải là lần đầu tư cuối cùng của chúng tôi.”/.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống