Cần lý giải việc điện mặt trời mái nhà chỉ được tính với giá 0 đồng

 

Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà còn quy định rõ “Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác”. Thậm chí, cơ quan soạn thảo còn dự kiến bổ sung quy định để người dân lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát lên hệ thống, đề nghị xem xét quy định về xây dựng, sửa chữa nhà nếu muốn lắp hệ thống điện mặt trời áp mái.

Cần lý giải việc điện mặt trời mái nhà chỉ được tính với giá 0 đồng
Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái vẫn rất cần thiết.

Có thể thấy rằng đang có sự mâu thuẫn trong một dự thảo “khuyến khích” nhưng nội dung Nghị định lại nêu ra một loạt các hạn chế người dân, tổ chức… mà không có một dòng lý giải nên đã ngay lập tức gây nên sự bức xúc trong dư luận.

Những ngày qua, Bộ Công Thương và một số chuyên gia năng lượng đã đăng dàn lý giải về mâu thuẫn trên rằng nguyên nhân vẫn là hệ thống điện quốc gia chưa đủ thiết bị (lưu trữ, xử lý mức độ trồi sụt bất thường trên hệ thống) bởi vậy, lượng điện dư thừa từ điện mặt trời áp mái có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện.

Nói rõ hơn thì điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Bởi vậy, theo Bộ Công Thương, cần phải có sự quản lý, giám sát của nhà nước để đảm bảo vận hành an toàn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng muốn kiểm soát tổng quy mô công suất trên cả nước theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, đến năm 2030, nguồn điện mặt trời mái nhà được tăng 2.600 MW. Đến cuối tháng 7, còn hơn 1.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 399,96 MW đã được liên kết với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch.

Hơn thế nữa, trong thực tế ngay cả Bộ Công Thương cũng không nắm được nếu để điện mặt trời mái nhà trong dân cư, hay các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đồng loạt lên lưới sẽ có công suất bao nhiêu nên việc hạn chế tối đa điện mặt trời áp mái lên lưới trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Do đó, tổng công suất còn lại được kết nối hệ thống từ nay đến 2030 chỉ còn khoảng 2.200 MW. Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng "Khi tổng công suất vượt 2.600 MW sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện của hệ thống".

Ở đây, cần nói rõ thêm khi đưa 2.600MW điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia không chỉ thay đổi về kỹ thuật trong điều độ các nguồn điện như điện gió, điện than, thủy điện… Mà còn thay đổi cả giá điện, với giá điện mặt trời đang phải “mua” giá cao (cơ chế giá theo khuyến khích đầu tư điện mặt trời trước đây) cũng như điều động lớn (theo cam kết của Chính phủ với các nhà đều tư) như hiện nay, chắc chắn giá sản xuất điện trên cả nước sẽ ngay lập tức phải tăng cao, nếu không nhà nước bắt buộc phải bù lỗ.

Chuyên gia năng lượng, PGS.TS Trần Văn Bình, cũng cho rằng nguồn điện mặt trời, điện gió có độ tin cậy thấp trong khi hệ thống điện phải đảm bảo vận hành ổn định. Do đó, hệ thống cần tính toán nguồn điện tái tạo này chiếm tỷ lệ bao nhiêu để đảm bảo.

Khi điện mặt trời mái nhà được bổ sung quá nhiều vào hệ thống điện, sẽ dẫn tới sự mất cân đối. Do đặc tính thời tiết, sản xuất điện từ bức xạ mặt trời nên điện mặt trời chỉ phát được ban ngày, không thể phát vào buổi tối - thời điểm nhu cầu sử dụng điện cao. Do đó, nếu chiếm tỷ trọng cao thì cần các nguồn điện chạy nền khác (phần lớn là nhiệt điện, thủy điện) "gánh vác" để hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn. Tuy nhiên, tỷ trọng điện dự phòng của các nguồn điện nền nước ta đang rất thấp, mặt khác chưa có giải pháp về tích trữ điện đồng bộ ở quy mô quốc gia thì tỷ trọng điện mặt trời hòa lưới cần được giới hạn để đảm bảo vận hành ổn định.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng từng thừa nhận tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11 rằng phải có nguồn điện phục vụ chạy nền ổn định thì mới có thể phát triển không giới hạn về công suất với điện mặt trời áp mái. Có nghĩa là, công nghệ và hệ thống truyền tải phải phát triển hơn nữa.

Như vậy là đã rõ, việc khuyến khích điện mặt trời vẫn chỉ dừng trong việc “tự sản, tự tiêu” - giảm áp lực tiêu thụ điện và giá điện; cho phép “kết nối lưới điện quốc gia trong giới hạn an toàn” - giữ án toàn hệ thống điện quốc gia. Hơn thế nữa, việc phát triển điện mặt trời áp mái với những quy định, quy chuẩn đầy đủ cũng là một trong những tiền đề quan trọng để nước ta chuyển từ thị trường điện cạnh tranh – thị trường điện bán buôn tới thị trường điện bán lẻ như các quốc gia phát triển.

Tùng Dương

Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra điện mặt trời mái nhà Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra điện mặt trời mái nhà
Hà Nội đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà Hà Nội đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống