Chính sách quốc tế thúc đẩy năng lượng tái tạo: Cơ hội cho thế giới ổn định, bền vững, thịnh vượng

 
Chính sách quốc tế thúc đẩy năng lượng tái tạo: Cơ hội cho thế giới ổn định, bền vững, thịnh vượng
Tổng thống Mỹ Joe Biden theo dõi bài phát biểu của Tiến sĩ Fatih Birol - Giám đốc IEA - tại cuộc họp trực tuyến cấp lãnh đạo lần thứ tư của Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu

Từ chính sách chung

Năng lượng tái tạo từ lâu được xác định như một phần không thể tách rời của nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Các tổ chức bảo vệ môi trường và các nhà vận động năng lượng xanh thậm chí còn cho rằng, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, nền tảng của tương lai bền vững. Thế nhưng, dù được ca ngợi như vậy nhưng phạm vi, tốc độ triển khai năng lượng tái tạo vẫn chưa được như kỳ vọng. Tham vọng phát triển bền vững nói chung và khát vọng năng lượng xanh nói riêng vẫn đang nhường bước trước các mục tiêu và kế hoạch tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xung đột quân sự Nga - Ukraina nổ ra, năng lượng tái tạo lại thu hút được sự chú ý. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới nhận ra việc quá phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch không chỉ gia tăng phát thải khí CO2 vào môi trường, mà còn tiềm ẩn những bất ổn về an ninh năng lượng. Khi nguồn cung cấp xăng, dầu bị gián đoạn bởi chiến sự phức tạp, nền kinh tế của các quốc gia này khựng lại như cỗ máy thiếu năng lượng. Dù trong ngắn hạn hay dài hạn, nguồn năng lượng hóa thạch đều không phải là câu trả lời cho phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, các chính sách quốc tế thúc đẩy năng lượng tái tạo mang lại cơ hội về một thế giới ổn định, bền vững và thịnh vượng hơn. Năng lượng tái tạo cần được thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới như một chiến lược toàn cầu hơn là nỗ lực mang tầm khu vực, quốc gia hay địa phương. Iana Dreyer - chuyên gia tại Viện nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu (EUISS) - cho rằng, các tổ chức quốc tế như Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực và chính sách về năng lượng tái tạo. Các tổ chức này có kinh nghiệm và chuyên môn xây dựng các chính sách phát triển bền vững.

IEA cho rằng, các quốc gia đã triển khai các chính sách khác nhau để thúc đẩy năng lượng tái tạo nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm hơn 10% tổng lượng tiêu thụ năng lượng và năng lượng hóa thạch vẫn thống trị thị trường năng lượng. Muốn thúc đẩy sự thay đổi, các quốc gia cần thiết kế, triển khai những chính sách hiệu quả, toàn diện hơn. Trong báo cáo 20 khuyến nghị chính sách về năng lượng tái tạo, IEA đề xuất chính phủ các nước tăng cường tập hợp, công bố các dữ liệu về năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế, cung cấp các giải pháp tài chính phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích sản xuất, sử dụng xe điện...

Phát biểu tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu ngày 21-4-2023, tiến sĩ Fatih Birol - Giám đốc IEA - nhấn mạnh với lãnh đạo các quốc gia, nền kinh tế năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng nhờ những tiến bộ về công nghệ như năng lượng Mặt trời, xe hơi điện và máy bơm nhiệt, nhưng các chính phủ vẫn cần có những giải pháp, chính sách triệt để hơn để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu kiểm soát sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5°C có thể đạt được nếu các quốc gia tìm được tiếng nói chung và có các chính sách năng lượng tái tạo hiệu quả.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong chính sách năng lượng tái tạo, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho rằng, các quốc gia cần tăng cường và thiết kế lại các hoạt động hợp tác. Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới chính sách năng lượng bền vững, bao trùm và bình đẳng. Đặc biệt, các quốc gia cần làm việc cùng nhau để xây dựng, củng cố các thể chế tài chính khuyến khích năng lượng tái tạo. Các thể chế tài chính và ngân hàng xanh có thể cung cấp các nguồn lực cần thiết cho những dự án năng lượng tái tạo tầm cỡ, tạo ra chuyển biến thực sự trong chiến lược năng lượng quốc gia và quốc tế.

Chính sách quốc tế thúc đẩy năng lượng tái tạo: Cơ hội cho thế giới ổn định, bền vững, thịnh vượng

Đến chính sách ngân hàng xanh

Nguồn vốn đầu tư ban đầu luôn là bài toán khó, cản trở đối với nỗ lực triển khai và nhân rộng các dự án năng lượng tái tạo. Đây cũng là lý do tại sao mặc dù được ca ngợi như giải pháp mang tính bền vững, nhưng phạm vi triển khai năng lượng tái tạo còn rất khiêm tốn. Nhận thức về rào cản này, các tổ chức quốc tế và các chính phủ ngày càng quan tâm đến việc thúc đẩy ngân hàng xanh. tài chính xanh, ngân hàng xanh là nền tảng quan trọng của tăng trưởng xanh. Các quốc gia đang phát triển cần có chính sách hỗ trợ hệ thống ngân hàng và thiết chế tài chính đủ mạnh, đồng thời huy động các nguồn lực quốc tế để hiện thực chiến lược phát triển bền vững nói chung và chiến lược năng lượng tái tạo nói riêng.

Theo Mạng lưới Ngân hàng xanh (GBN), mặc dù được gọi tên khác nhau nhưng các ngân hàng xanh đều có chung cam kết thúc đẩy đầu tư cho các dự án giảm thiểu lượng khí phát thải CO2 và hướng tới các giải pháp năng lượng tái tạo. Những ngân hàng này huy động các nguồn vốn công, tư cho các dự án phát triển bền vững; giảm chi phí năng lượng, phát triển thị trường công nghệ xanh và hỗ trợ các cộng đồng địa phương. Do đó, GNB được thành lập để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ tri thức giữa các ngân hàng xanh trên phạm vi toàn cầu, giúp cho họ tìm ra các cách làm hay và bài học kinh nghiệm.

Ngân hàng xanh thường được hiểu trên 2 phương diện: ngân hàng sử dụng các nghiệp vụ xanh, giảm thiểu tác hại môi trường và ngân hàng khuyến khích việc đầu tư, phát triển các công nghệ, năng lượng xanh. Ở phương diện thứ nhất, ngân hàng được coi là “xanh” khi cung cấp dịch vụ thân thiện môi trường trong ngắn hạn, có chiến lược kinh doanh đáp ứng các yêu cầu về môi trường, trách nhiệm xã hội. các ngân hàng tăng cường giao dịch điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy in, khuyến khích thanh toán không sử dụng tiền mặt, sử dụng các trang thiết bị thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Các ngân hàng khi đó tập trung xây dựng các quy trình, nghiệp vụ, tiêu chuẩn hoạt động bền vững.

Ở phương diện thứ hai, ngân hàng xanh hỗ trợ, khuyến khích các dự án, hoạt động, công nghệ bền vững và năng lượng sáng tạo. Các ngân hàng này tập trung nguồn tín dụng tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Việc thẩm định, phê duyệt các khoản vay có cân nhắc đến tác động, lợi ích môi trường mà các dự án mang lại và các dự án phát triển năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên. Chính phủ các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Vương quốc Anh, Nhật Bản, New Zealand đều ban hành chính sách về ngân hàng xanh ở cấp quốc gia, địa phương nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư tư nhân về năng lượng sạch. Theo thống kê của GBN, các ngân hàng xanh trên thế giới đã dành gần 30 tỷ USD cho các dự án đầu tư năng lượng sạch.

Tại Việt Nam, chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững, năng lượng tái tạo gắn với chính sách ngân hàng xanh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% số ngân hàng xây dựng được quy trình nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay... Chiến lược này cần gắn liền với các chính sách quốc tế nhằm tạo động lực phát triển từ bên trong, đồng thời thu hút các nguồn lực xanh từ bên ngoài.

Thực tế, các quốc gia phát triển trên thế giới đều sớm quan tâm xây dựng chính sách và thúc đẩy ngân hàng xanh như tiền đề cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình này thường đòi hỏi thời gian, sự quan tâm liên tục, tầm nhìn dài hạn với trọng tâm là đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xung đột Nga - Ukraina và các diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu gần đây một lần nữa nhắc nhở các quốc gia trên thế giới rằng, việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính sách và chiến lược năng lượng tái tạo có thể cần đến 10 - 20 năm để được thực thi một cách toàn diện. Giống như cách nói của người Do Thái, thời điểm tốt nhất để đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo là 20 năm trước hoặc ngay bây giờ.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống