Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc với Vietsovpetro và Cửu Long JOC |
Tham dự buổi làm việc có ông Trần Bình Minh – Thành viên HĐTV Tập đoàn, cùng lãnh đạo các ban liên quan của Tập đoàn; lãnh đạo các đơn vị Vietsovpetro, PVEP và Cửu Long JOC.
Tổng Giám đốc Vietsovpetro Vũ Mai Khanh báo cáo |
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) Vũ Mai Khanh báo cáo về kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2025 – 2027 và dài hạn đến năm 2033; triển khai kế hoạch năm 2024. Trong đó nhấn mạnh một số thách thức về sản lượng khai thác tiếp tục suy giảm tự nhiên lớn, các khu vực cận thăm dò còn lại tiềm năng thấp, khó khăn trong công tác mở rộng vùng hoạt động, cơ sở vật chất sau nhiều năm hoạt động chi phí vận hành, bảo dưỡng cao; cùng với đó là các thách thức từ bên ngoài về kinh tế, địa chính trị thế giới phức tạp, biến động giá dầu, giá nguyên liệu và chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ chế cho hoạt động của Vietsovpetro còn nhiều khó khăn về cơ chế tài chính cũng như các chủ trương để đầu tư mới, mở rộng hoạt động.
Trước tình hình đó, Vietsovpetro đã đưa ra những định hướng phát triển, giải pháp, làm mới những động lực cũ và đầu tư phát triển các lĩnh vực mới trên cơ sở tận dụng hạ tầng, kinh nghiệm, nguồn lực hiện có.
Tổng Giám đốc Cửu Long JOC Lê Đắc Hóa báo cáo |
Với Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC), Tổng Giám đốc Lê Đắc Hóa cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay của Cửu Long JOC là đến tháng 9/2025 Hợp đồng dầu khí (PSC) hiện hữu sẽ kết thúc. Do vậy điều kiện tiên quyết, sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của Cửu Long JOC và tổ hợp nhà đầu tư lô 15-1 là phải có được hợp đồng mới. Hợp đồng dầu khí mới có vai trò quyết định đối với tương lai phát triển của lô 15-1, trong đó trọng tâm là phát triển dự án Sư Tử Trắng Pha 2B.
Cửu Long JOC, tổ hợp nhà thầu và Petrovietnam đang rất tích cực làm việc với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu có được PSC mới trong thời gian sớm nhất, không muộn hơn quý II/2024. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn, phức tạp đặc biệt là về quy trình, cơ chế thẩm định còn nhiều vòng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tiến độ có PSC mới.
“Sư Tử Trắng pha 2B chậm 1 năm thì ngân sách nhà nước mất khoảng 84 triệu USD, còn đối với tổ hợp nhà thầu mất khoảng 9 triệu USD”, ông Lê Đắc Hóa đưa ra phân tích.
Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam đóng góp ý kiến thảo luận |
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Trần Hồng Nam nhận định, năm 2024 là “vùng trũng” hoạt động của Cửu Long JOC, do hợp đồng dầu khí hiện hữu sắp kết thúc và chưa có được hợp đồng dầu khí mới nên không có cơ sở cho hoạt động đầu tư, gia tăng sản lượng, trữ lượng khai thác. “Mấu chốt vấn đề là làm sao sớm có được PSC mới. Còn lại hiện nay, phần phối hợp của Cửu Long JOC, các đối tác và Tập đoàn đã đạt được sự thống nhất và đồng thuận cao; các bên đang hết sức nỗ lực để thăm dò, thẩm lượng sớm, thúc đẩy để có thể triển khai khoan khai thác sớm, first gas có sản lượng khai thác cao, mang lại nguồn thu đóng góp cho ngân sách quốc gia và cho các đối tác, nhà thầu sau khi có được PSC mới”.
Thành viên HĐTV Petrovietnam Trần Bình Minh phát biểu |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Thành viên HĐTV Trần Bình Minh và đại diện các ban liên quan của Tập đoàn đã trao đổi, góp ý các mục tiêu chiến lược; bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy cũng như triển khai thực hiện thành công chiến lược phát triển của các đơn vị; các giải pháp để thực hiện mục tiêu quản trị đặt ra trong năm 2024.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu chỉ đạo, TS. Lê Mạnh Hùng đã phân tích và nhận định rằng, tổng thể lĩnh vực thăm dò, khai thác năm nay sẽ khó khăn hơn năm ngoái. Do đó, mục tiêu ngắn hạn 2024 là tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, thách thức để thoát ra khỏi “vùng trũng”, không để tiếp tục kéo dài sang các năm tiếp theo; Theo mục tiêu quản trị của Tập đoàn về sản lượng khai thác của năm, phân bổ, quản trị mục tiêu đến các đơn vị để lập kế hoạch, xây dựng nguồn lực thực hiện và kiểm soát mục tiêu, đặc biệt với Cửu Long JOC và Vietsovpetro là hai đơn vị chiếm trọng số lớn trong sản lượng khai thác của Tập đoàn.
Trong trung và dài hạn, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam chỉ đạo các giải pháp cụ thể, kiến nghị đến các cấp thẩm quyền để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, phân cấp phân quyền, thúc đẩy sớm đạt được mục tiêu có PSC mới của Cửu Long JOC, cũng như chuẩn bị các công việc có thể triển khai trước nhằm rút ngắn thời gian thực hiện kế hoạch sau khi có được PSC mới.
Với Vietsovpetro là đẩy mạnh và đẩy nhanh chiến lược về thăm dò, khai thác dầu khí; đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, bổ sung các lĩnh vực, dịch vụ mới trong xu hướng chuyển dịch năng lượng như năng lượng gió ngoài khơi, khoáng sản đáy biển, thu gom, chôn lấp CO2,…, trong đó nhiều lĩnh vực phải đi theo chuỗi giá trị, chiến lược tổng thể của Tập đoàn. “Với cách làm như vậy chúng ta làm mới các động lực cũ, bổ sung thêm các động lực mới để phát triển”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh.
Mai Phương
Đồng hành, đồng bộ trong toàn hệ thống Petrovietnam triển khai nhiệm vụ năm 2024 |
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tiếp lãnh đạo Tập đoàn Perenco |
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Triển khai công tác kiểm tra giám sát theo chiều sâu, đồng bộ, toàn diện |
Petrovietnam gặp mặt các nhà thầu dầu khí năm 2024 |
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống