Kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn là quý III và quý IV sẽ có GDP tăng lần lượt là 6,5% và 7,5% khi xuất khẩu bớt giảm sâu ở khía cạnh kinh tế đối ngoại và mặt bằng lãi suất giảm thấp hơn đối với kinh tế nội địa. Tăng trưởng GDP 2023 sẽ là 5,5%.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm, 2011-2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam. |
Xuất nhập khẩu tăng trưởng âm nhưng đang trên đà phục hồi
Tăng trưởng hàng tháng so với cùng kỳ
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam. |
Với kế hoạch đầu tư công được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707 nghìn tỷ VND (30,1 tỷ USD), nếu giải ngân được 95% kế hoạch sẽ tăng 24,6% so với 2022 và công thêm khoảng 1,2-1,3 điểm % vào tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ này đòi hỏi mức độ chi cho đầu tư rất lớn trong nửa cuối năm 2023. Nếu đạt được, thì tốc độ tăng 5,5% hoặc có thể lên đến 5,8% là có thể đạt được.
Giải ngân đầu tư công
Tỷ lệ giải ngân hàng tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Nguồn: Bộ Tài chính Việt Nam.
Số tuyệt đối giải ngân hàng tháng (quy đổi ra tỷ USD)
Nguồn: Bộ Tài chính Việt Nam.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn, 2024-2026
Yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 3 năm tới sẽ là rất thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Con số này đòi hỏi tiêu dùng nội địa tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% (nhập khẩu có thể tăng cao hơn) và đặc biệt là tổng đầu tư tăng 9%. Còn phía các khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh, nông nghiệp tăng 3%, công nghiệp 7-7,2% và dịch vụ 6,8-7%. Kịch bản này đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì và các chính sách vĩ mô không bị đảo chiều theo hướng “giật cục”.
Tuy nhiên, theo tính toán của tác giả, mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ ở mức cao (giải ngân trên dưới 15 tỷ USD/năm), đầu tư tư nhân có thể phục hồi so với 2022 nếu mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, nhưng để tổng đầu tư tăng 9% thì đầu tư công vẫn phải là động lực quan trọng.
Theo kế hoạch ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn hiện hữu, thì quy mô tuyệt đối của chi đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sẽ giảm vào năm 2024 và 2025. Nhưng nếu theo kế hoạch này, đầu tư sẽ khó có thể là động lực cho tăng trưởng trung hạn, đặc biết là khu vực bất động sản và xây dựng tư nhân sẽ không thể phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới.
Kế hoạch ngân sách nhà nước trong đó có đầu tư công trung hạn cần được điều theo hướng tăng mạnh hơn đầu tư công. Quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700 nghìn tỷ (30,1 tỷ USD). Nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn 2024-26.
Quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững như sẽ được phân tích dưới đây.
Chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước
Xét về khía cạnh phát triển bền vững, hai trục trặc lớn trong mô hình tiêu dùng và sản xuất của Việt Nam là thâm dụng năng lượng cao và tạo nhiều chất thải không được tái chế - tái sử dụng.
Từ năm 2017 đến 2019, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên tăng trưởng GDP của Việt Nam (còn gọi là hệ số đàn hồi hay hệ số co giãn) là 1,25-1,3. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần 1,1 vào năm 2020 và bình quân là 1,15 vào năm hai năm Covid 2021-22. Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống dưới 0,5. Hiện tại, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam là 2.800 kWh. Nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan. Một trong những yêu cầu của chuyển đổi xanh là Việt Nam phải giảm cường độ sử dụng năng lượng, trong đó quan trọng nhất là sử dụng điện.
Nếu không giảm được cường độ sử dụng điện hay chỉ giảm ít thì nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng 7%/năm từ 2024 đến 2030. Theo kịch bản này, tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.500 kWh, bằng với mức tiêu thụ hiện nay ở Anh. Trung Quốc hiện tiêu thụ gần 6.000 kWh trên đầu người, nhưng có GDP bình quân đầu người gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam. Vương quốc Anh là hơn 10 lần.
Ở kịch bản tăng trưởng lạc quan, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt gần 7.000 USD vào năm 2030 (theo giá năm 2022), tức là chỉ xấp xỉ một nửa mức GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc. Mức tiêu thụ điện 4.500 kWh/người vào 2030 là quá lớn. Việt Nam cần phải tăng hiệu quả sử dụng điện và giảm độ co giãn từ mức trên 1 xuống thấp hơn 1. Khi đó, tăng trưởng nhu cầu điện trong tương lai sẽ là 5-6%/năm cho đến 2030.
Hệ số co giãn tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP
Nguồn: David Dapice (2023) tính toán trên số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Việc hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng (energy efficiency) cần tập trung vào các nhóm vấn đề nhau: Hạn chế thu hút đầu tư và các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng; Khuyến khích theo hướng ưu đãi mạnh về thuế khi áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; Kiên quyết thực thi lộ trình tăng giá điện và các giá năng lượng theo hướng giá tài chính phải bao gồm đầy đủ các chi phí kinh tế - xã hội; Điều chỉnh quy chuẩn xây dựng và lắp đặt thiết bị.
Các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nếu hoạch định theo hướng phân mảnh về thế chế sẽ khó tạo động khuyến khích thực thi tự nguyện và nếu áp đặt một cách cứng nhắc sẽ làm giảm đang kể năng lượng cạnh tranh của các nền kinh tế.
Hướng tiếp cận tốt hơn là hoạch định chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn theo hệ sinh thái dẫn dắt bởi các cụm ngành (cluster-based ecosystems). Chính sách cần hướng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái để chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thu được lợi ích từ việc tham gia một cách chủ động vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Trên phương diện hoạch định chính sách ở cấp độ Quốc hội, các cụm ngành cần được xác định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bao gồm: Các ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và bao bì; Trọng tâm chính sách: Tái chế; Dịch vụ vận tải và logistics; Trọng tâm chính sách: Công nghệ thông minh; Xử lý chất thải; Trọng tâm chính sách: Chuyển đổi từ xử lý rác thải sang tạo năng lượng từ rác; Kinh tế nước; Trọng tâm chính sách: Định giá đúng đối với nước từ các nguồn khác nhau và việc khai thác sử dụng nước phải tuân thủ đúng mức giá đã tính đầy đủ các chi phí kinh tế - xã hội chứ không chỉ chi phí tài chính.
(Tham luận của NGUYỄN XUÂN THÀNH - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright,
Đại học Fulbright Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023)
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống