Cuộc sắp xếp địa - chính trị năng lượng toàn cầu

 
Cuộc sắp xếp địa - chính trị năng lượng toàn cầu
Nhiều quốc gia Liên minh châu Âu tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió_Ảnh: AP

Sự khuynh đảo của năng lượng tái tạo

Đã gần 2 thế kỷ nay, dầu lửa và than đá là động lực cho sự bùng nổ của nền công nghiệp hiện đại. Địa - chính trị năng lượng cũng chủ yếu xoay quanh các nguồn năng lượng truyền thống này. Cho đến nay, hầu hết các nền kinh tế vẫn phụ thuộc phần lớn vào sản xuất điện từ khí đốt và than đá. Việc có quyền kiểm soát và khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng và thị trường quan trọng trên thế giới sẽ giúp các quốc gia bảo vệ các lợi ích quốc gia - dân tộc, cũng như gây ảnh hưởng kinh tế - chính trị ở bên ngoài. Các quốc gia không có lợi thế và khả năng đó sẽ ít cơ hội, đòn bẩy hơn, thậm chí là dễ bị tổn thương hơn.

Thế nhưng, cuộc chuyển đổi hệ thống năng lượng, vốn là cơ sở cho toàn bộ hệ thống công nghiệp hiện đại trong gần 200 năm qua, từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch (năng lượng xanh) đã bắt đầu diễn ra, kéo theo những thay đổi bất ngờ. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2040 và sau đó giảm xuống. Điều này không có nghĩa nguồn tài nguyên hydrocarbon đã cạn kiệt. Trên thực tế, những khám phá mới về trữ lượng dầu mỏ trên thế giới vẫn liên tục được công bố. Sự sụt giảm này chủ yếu là do việc gia tăng của năng lượng thay thế.

Do những lo ngại về biến đổi khí hậu và sự cải thiện nhanh chóng của công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ điện Mặt trời, điện gió đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Năng lượng hóa thạch đã không còn khuynh đảo thị trường năng lượng thế giới. Ngược lại, năng lượng tái tạo và sản phẩm sử dụng năng lượng sạch đang chiếm dần vị trí đó, tạo bước ngoặt và cơ hội cho tăng trưởng kinh tế thế giới trong tương lai. Các quốc gia làm chủ công nghệ năng lượng sạch hoặc nhập khẩu ít nhiên liệu hóa thạch hơn có thể thu được nhiều lợi nhuận, trong khi những quốc gia dựa vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể thấy sức mạnh của họ suy giảm. Cách đây hơn 60 năm, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ra đời. Với tiềm lực dầu khí hùng mạnh, OPEC từng bước áp đặt “luật chơi” cả về mặt kinh tế lẫn chính trị với hệ thống năng lượng quốc tế. Sáu thập niên sau, dù vẫn là cột trụ của năng lượng thế giới nhưng hào quang của OPEC đã nhạt phai nhiều. Vai trò của Trung Đông như “rốn dầu” thế giới cũng suy giảm.

Chính vì thế, sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo được đánh giá là có thể tạo ra sự thay đổi quyền lực toàn cầu, thậm chí có khả năng vẽ lại bản đồ chính trị trong thế kỷ XXI. Giải thích về xu hướng này, ông Haim Israel - Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Ngân hàng Mỹ (BofA) - chia sẻ: “hãy nhớ rằng hiện nay 50% lượng dầu mỏ trên toàn thế giới đang phục vụ cho thị trường vận tải, và xe hơi chiếm một phần lớn trong đó. Vì vậy, ai thống trị công nghệ xe điện chắc chắn sẽ chiếm được một lợi thế lớn để phát triển”. Quá trình này cũng dẫn đến sự hình thành một số liên minh và sáng kiến mới do các chính phủ và nhiều chủ thể lợi ích khác khởi xướng nhằm thúc đẩy hợp tác về công nghệ tái tạo ở các diễn đàn đa phương, quốc tế và khu vực. Năm 2015, việc Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết đã khai sinh ra Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA), Liên minh Địa nhiệt toàn cầu... Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ISA sẽ thay thế vai trò của OPEC là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu trong tương lai.

Yếu tố có thể chuyển dịch trật tự thế giới

Năng lượng sạch đang dần trở thành nguồn sức mạnh quốc gia mới. Trên thực tế, hầu hết các công nghệ mới được phát minh đều sử dụng điện, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, ô tô điện - những thứ được coi là sẽ thống trị thế giới tương lai. Chính vì thế, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch được dự báo sẽ tái cấu trúc nhiều yếu tố trong nền chính trị quốc tế, vốn đã hình thành ít nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó ảnh hưởng đáng kể đến các nguồn sức mạnh quốc gia, tiến trình toàn cầu hóa, quan hệ giữa các nước lớn và sự hội tụ về kinh tế giữa các nước phát triển và đang phát triển. Chiếm lĩnh ưu thế về công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ giúp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hiệu quả và bền vững hơn, mà còn trở thành cuộc đua giành vai trò và ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là giữa các cường quốc và trung tâm kinh tế thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu...

Nhờ tập trung đầu tư, Trung Quốc hiện là nước sản xuất nhiều điện Mặt trời và điện gió hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thống kê cho biết, trong năm 2022, công suất năng lượng tái tạo trên thế giới đạt 3.372 gigawatt (GW), cao hơn 295GW so với năm 2021, trong đó Trung Quốc đóng góp lớn nhất với 141GW. Mục tiêu của nước này là đạt tỷ lệ năng lượng sạch 25% vào năm 2030. Trung Quốc cũng sản xuất và mua nhiều ô tô điện hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đến năm 2035, hầu hết các loại xe mới được bán ở Trung Quốc sẽ chạy bằng điện hoặc là hybrid (xe lai điện). Ở Mỹ, kể từ thời Tổng thống Barack Obama, nước này đã đặt mục tiêu tận dụng ưu thế về công nghệ và sức cạnh tranh để nhanh chóng tạo ra những công nghệ năng lượng mới. Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% tổng lượng điện. Liên minh châu Âu (EU) cũng đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng chung của khối từ 40% lên 45% vào năm 2030. Với Nhật Bản, tháng 5-2021, nước này đã khởi động cuộc đua công nghệ xanh, động thái mà Tokyo cho rằng sẽ quyết định vị thế kinh tế của nước này trong thế giới hậu carbon, bằng kế hoạch chế tạo pin thể rắn thay thế loại pin lithium-ion mà Trung Quốc đang thống trị. Chẳng những có dung lượng lớn hơn hẳn so với các loại pin khác, pin rắn còn có khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, trong các vệ tinh nhân tạo và máy móc công nghiệp.

Cuộc đua trong lĩnh vực năng lượng sạch ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, điều đáng nói là thay vì hợp tác, cuộc đua này lại hướng vào cạnh tranh và đối đầu. Nguy cơ xuất hiện kẻ thắng, người thua đang đe dọa sự cân bằng quyền lực vốn có trong quan hệ quốc tế. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), một kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỷ USD với các khoản trợ cấp ưu đãi cho các công nghệ sạch như sản suất xe điện, pin Mặt trời, turbine gió nhưng lại đi kèm điều kiện là phải được thực hiện ở Mỹ. Ngay đồng minh EU của Mỹ cũng than phiền đạo luật này mang tính bảo hộ, đi ngược cam kết của Washington về chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại. Tính chất “phân biệt đối xử” của IRA không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp EU tại thị trường Mỹ, mà còn có thể làm chuyển hướng dòng chảy đầu tư từ EU sang Mỹ. Để đối phó, EU đã phải tính đến thành lập “Quỹ chủ quyền châu Âu” nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp xanh của châu lục. Đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng phải tổ chức một bữa ăn tối với một số giám đốc điều hành các doanh nghiệp châu Âu để thuyết phục họ không chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ. Với Trung Quốc, trước những rào cản mà Mỹ dựng lên cùng nguy cơ bị cắt khỏi chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu, Bắc Kinh đang tìm cách “vũ khí hóa” ưu thế của mình, đặc biệt trong lĩnh vực đất hiếm, nguyên liệu nền tảng của ngành năng lượng tái tạo. Trung Quốc hiện xử lý tới gần 90% đất hiếm và 60% lithium - một nguyên tố chính cho pin.

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã trở thành cuộc đua quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu. Tác động của nó có thể làm chuyển dịch trật tự thế giới vốn đã hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống