Tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt, Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất cải cách thị trường điện EU, với mục tiêu giúp người tiêu dùng ít bị tổn thương trước giá điện tăng cao và thị trường năng lượng không ổn định. Đồng thời, đầu tư nhiều hơn vào năng lượng phi hóa thạch và tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp.
Sự bất đồng giữa Paris và Berlin, liên quan đến phương thức trợ cấp cho các dự án năng lượng, đã được khắc phục nhờ một thỏa hiệp được đưa ra bởi Tây Ban Nha, quốc gia hiện đang chủ trì EU và dẫn đầu các cuộc đàm phán vào thứ Ba (17/10).
Theo Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha, Teresa Ribera, lập trường chung đã được 27 nước nhất trí thông qua, ngoại trừ Hungary.
Đức và Pháp bất đồng về việc nhà máy điện nào có thể được hưởng lợi từ viện trợ nhà nước dưới hình thức hợp đồng điện giá cố định được nhà nước bảo lãnh, được gọi là "hợp đồng chênh lệch" (CfD).
Berlin từ chối tích hợp đội hình nhà máy điện hạt nhân hiện có của Pháp vì lo ngại khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nước này suy giảm trước nguồn điện giá rẻ của Pháp.
Thỏa hiệp quy định rằng CfD sẽ chỉ liên quan đến các dự án nhà máy điện mới, nhưng cũng quy định rõ rằng chính phủ của các quốc gia thành viên có thể tiếp tục phân bổ viện trợ cho các nhà máy điện, nơi các khoản đầu tư đáng kể được thực hiện để mở rộng công suất hoặc tăng thời gian tuổi thọ của hệ thống lắp đặt.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống