Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Các nhà đầu tư đến từ những quốc gia thuộc EU hay Mỹ đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ông Joseph Uddo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: "Hơn một nửa thành viên AmCham đang kinh doanh đạt kế hoạch và tốt hơn kỳ vọng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà đầu tư khác, dù Việt Nam đã nỗ lực cải cách hành chính nhưng hơn một nửa thành viên AmCham cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh cần được tiếp tục cải thiện theo hướng đảm bảo công bằng pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới".
Cụ thể, AmCham cho rằng cần xem xét một số luật và quy định mới tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới để tránh ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, nhất là các vấn đề liên quan đến giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài... Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng cũng cần phải tương thích với chính sách thuế toàn cầu, khắc phục tình trạng các chính sách thuế không minh bạch, khó lường, thường là ở cấp cục thuế thành phố hoặc cấp tỉnh.
Liên quan đến phát triển chuỗi cung ứng, Chủ tịch Amcham nhấn mạnh đến cơ hội Việt Nam thu hút các khoản đầu tư lớn khi các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để biến cơ hội trên thành hiện thực, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, gỡ bỏ các rào cản với các khoản đầu tư nước ngoài... Chính phủ cũng cần cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ cho nhà sản xuất nhỏ và vừa, bởi các công ty này tuy rất nhỏ lẻ với vốn thấp nhưng lại là một phần thiết yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Nhiều đề xuất của Amcham cũng là kiến nghị Tổng cục Thống kê đưa ra nhằm đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024, trong đó có đầu tư nước ngoài.
Dây chuyền sản xuất tại Goldsun - một trong số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam. |
Theo đó, các bộ ngành và địa phương tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản với sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… Ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư và duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cần thực hiện đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng nghiên cứu và ban hành các giải pháp, chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quản trị… Đồng thời, liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống