Trong khi bùng nổ dân số đang là mối đe dọa lớn đối với Trái Đất, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể thống nhất số lượng người mà Trái Đất có thể đáp ứng.
Trái Đất không thể mở rộng hơn. (Ảnh: Mike Kiev)
"Vấn đề không phải là số lượng người trên Trái Đất mà do lượng người tiêu dùng, tính chất và quy mô mức tiêu dùng của họ", BBC dẫn lời David Satterthwaite, thành viên cấp cao tại Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển tại London, Anh.
Cách đây 10.000 năm, trên Trái Đất chỉ có vài triệu người. Năm 1800, Trái Đất có một tỷ người. Con số này tăng lên 2 tỷ người vào năm 1920. Hiện nay, dân số thế giới là 7,3 tỷ người. Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, dân số có thể đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 11 tỷ người vào năm 2100.
Copenhagen, Đan Mạch, được xem là nơi có chất lượng cuộc sống tốt nhưng lại thải ít khí nhà kính. (Ảnh: Ros Drinkwater)
Dân số tăng trưởng nhanh đến mức chúng ta khó có thể lường trước hậu quả. Nói cách khác, với trình độ hiểu biết hiện nay của con người, chúng ta không biết liệu Trái Đất có thể chứa được dân số 11 tỷ người hay không. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán dân số sẽ tăng mạnh tại những khu đô thị của các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tác động của gia tăng dân số đối với các khu đô thị này tương đối nhỏ vì họ có mức chi tiêu thấp. Lượng khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính cũng ở mức thấp. "Thành phố ở các nước thu nhập thấp thải ra chưa đến một tấn CO2 trên một đầu người mỗi năm. Trong khi đó, con số này ở các nước thu nhập cao lên tới 30 tấn", Satterthwaite chia sẻ. Thậm chí, nhiều người dân thành thị có thu nhập thấp tới mức họ gần như không thải ra khí nhà kính.
Xã hội con người phụ thuộc vào công nghệ sản xuất. (Ảnh: Thom Lang)
Tuy nhiên, dân số 11 tỷ người có thể gây căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất. Nếu các thành phố có thu nhập thấp tăng mức tiêu dùng thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo giáo sư Will Steffen ở Đại học Quốc gia Australia, vấn đề ở đây là lượng tiêu thụ toàn cầu gia tăng rất nhanh. Điều này có nghĩa người dân thuộc tầng lớp thu nhập cao phải hạn chế chi tiêu và chấp nhận trợ giúp từ chính phủ để góp phần làm giảm áp lực về khí hậu, tài nguyên và chất thải trên toàn cầu.
Phân tích của những nhà nghiên cứu cho thấy, các hộ gia đình chiếm 60% lượng khí thải nhà kính, sử dụng 80% đất, tài nguyên và nước trên Trái Đất. Lượng tiêu dùng này tập trung vào những hộ ở nước có thu nhập cao.
Ngay cả khi cơ cấu xã hội thay đổi, chúng ta vẫn không biết chắc chắn về Trái Đất có thể duy trì dân số 11 tỷ người hay không. Theo Steffen, chúng ta cần ổn định dân số toàn cầu, duy trì ở mức khoảng 9 tỷ người và giảm dần tỷ lệ sinh. Theo Ban Dân số của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ sinh trong thực tế đã giảm từ những năm 1960. Giảm tỷ lệ sinh là cách để nâng cao vị thế của người phụ nữ, cũng như mở ra cho họ nhiều cơ hội giáo dục và việc làm.
Một khu phố ổ chuột ở Mummnai, Ấn Độ. (Ảnh: Stuart Kelly)
Nhiều người cho rằng con số 11 tỷ người này khó có thể đạt được vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ nông nghiệp, sản xuất điện và giao thông. Cuộc sống đói nghèo, suy dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng sinh học, ô nhiễm đại dương cũng góp phần kìm hãm quá trình gia tăng dân số.
Lượng tài nguyên mỗi người sử dụng và sự phát triển công nghệ cũng ảnh hưởng đến dân số tối đa trên Trái Đất. Trong tương lai xa, nếu con người có thể sống ngoài Trái Đất, quần thể người sẽ lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta cần thay đổi lối sống và cải thiện điều kiện sống của phụ nữ trên toàn thế giới. Chỉ khi làm vậy, chúng ta mới ước tính được lượng người tối đa mà Trái Đất có thể đáp ứng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống