Kinh tế xanh - Sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững

 
Kinh tế xanh - Sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững
Kinh tế xanh - Sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững

Một số ngành liên quan đến rác thải đã bắt đầu bị chi phối bởi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, thông qua EPR (Extended Producer Responsibility - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất). Các doanh nghiệp vận hành kinh doanh liên quan đến các loại rác thải đều phải đóng một loại phí hằng năm vào Quỹ Bảo vệ môi trường, theo lộ trình của từng ngành.

Kinh tế xanh - Sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững
TS Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam)

Ví dụ, ngành hàng tiêu dùng có liên quan đến nhựa, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, sẽ bắt đầu tuân thủ luật từ ngày 1-1-2024. Theo đó, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng bao bì nhựa hoặc liên quan đến nhựa hỗn hợp, phải có trách nhiệm thu gom và tái chế một tỷ lệ bắt buộc theo lộ trình giảm thải nhựa cho đến năm 2030. Nếu không tự xử lý thu gom và tái chế hoặc thông qua đơn vị được ủy quyền hợp pháp, hằng năm, doanh nghiệp đó phải nộp một khoản phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường, theo tỷ lệ quy định đối với từng chủng loại nhựa sử dụng.

Các loại tín chỉ carbon, tín chỉ nhựa, chứng chỉ năng lượng tái tạo đều tạo cơ hội tăng nguồn thu, để bù trừ vào các chi phí hiện tại hoặc tương lai. Các doanh nghiệp cần phải đóng góp vào việc bù trừ cho lượng khí thải, rác thải... do chính doanh nghiệp thải ra trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Từ thực tế đó, có thể nhận thấy kinh tế xanh đã trở thành sự tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Mô hình kinh tế tuyến tính, nơi chỉ có khai thác và tận dụng tài nguyên, không còn là lựa chọn thích hợp cho sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đã dần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, bao gồm nâng cao năng lực về công nghệ để giảm chi phí; sử dụng các quy trình chọn lọc trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu sản xuất; tái chế các chất thải và đưa trở lại vào sản xuất, tiêu dùng. Hành vi của người tiêu dùng cũng theo đó mà thay đổi, chi phối sự lựa chọn, tác động đến quyết định mua sản phẩm “thương hiệu xanh” trên thị trường.

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia áp dụng các công cụ định giá carbon, thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế tín chỉ carbon. Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các công cụ định giá carbon. Các công cụ định giá carbon kiểm soát khoảng 23% tổng lượng phát thải toàn cầu năm 2023.

Hiện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách, bao gồm: Quy định về quản lý nhà nước đối với tín chỉ carbon; quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính; cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon; quy định về quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại tín chỉ carbon, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu.

Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá carbon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon. Việc trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).

Đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế tín chỉ carbon, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống