Lâm Đồng tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm 11 lỗi trong khai thác khoáng sản

 

Theo đó, Công ty Tuấn Thiện bị tước quyền sử dụng giấy phép và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 4,5 tháng kể từ ngày 9/4/2024. Đồng thời phải nộp lại giấy phép Khai thác khoáng sản số 345/GP-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 10/2/2015 về Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường để tạm giữ.

Tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm 11 lỗi trong khai thác khoáng sản
Công ty Tuấn Thiện vi phạm kéo dài trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Công ty Tuấn Thiện chấp hành quyết định xử phạt hành chính, nộp đầy đủ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ.

Trong 90 ngày mà doanh nghiệp không thực hiện thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng sẽ tham mưu, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Bên cạnh đó, trong thời gian bị tước giấy phép và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản, nếu Công ty Tuấn Thiện vẫn hoạt động khai thác sẽ bị xử lý như hành vi khai thác không phép.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt gần 1,4 tỉ đồng đối với 11 vi phạm của Công ty Tuấn Thiện. Doanh nghiệp này Công ty Tuấn Thiện có 11 lỗi vi phạm trong việc thăm dò, khai thác cao lanh. Trong đó, các lỗi nghiêm trọng nhất là khai thác không đúng thông số hệ thống khai thác; không nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (còn nợ hơn 1,3 tỉ đồng).

Đồng thời, Công ty Tuấn Thiện còn chiếm và sử dụng hơn 3 ha đất nông nghiệp từ tháng 5/2021 đến tháng 2/2024, nhưng không được sự đồng ý của chủ đất; sử dụng gần 17 ha đất nông nghiệp vào hoạt động khai thác khoáng sản nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp này sử dụng khoáng sản khai thác được không đúng mục đích khi xuất bán toàn bộ cao lanh thô chứ không chế biến theo Dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng buộc Công ty Tuấn Thiện nộp lại gần 5,8 tỉ đồng tiền thu lợi bất hợp pháp từ các vi phạm có được do hành vi lấn chiếm, chiếm đất (diện tích 3,06 ha) và hành vi chuyển mục đích từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (diện tích 17,11ha) nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống