Ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam

 

Ngày 29/9, Tập đoàn CT Group đã tổ chức lễ ra mắt Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời, hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.

Ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam
Các đại biểu thực hiện bấm nút ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN.

Từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bắt đầu thực hiện thí điểm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Hoa Kỳ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào Hoa Kỳ vào năm 2024.

Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều quốc gia, thị trường lớn của châu Mỹ và châu Á tiếp cận theo hướng này. Đây là xu thế chung trên toàn cầu mà doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng nhanh, hiệu quả để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng giám đốc Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN cho biết, thị trường carbon được xem là công cụ hữu hiệu, khả thi thực hiện giảm thiểu tác hại tới môi trường, hướng tới phát triển bền vững và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Võ Trường An: “Nước ta cần thiết phải có một đơn vị tư vấn, hướng dẫn quy trình kiểm định và đăng kí tín chỉ carbon. Xác định tầm quan trọng của thị trường này, CCTPA đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các cá nhân doanh nghiệp, tổ chức”.

Theo đó, CCTPA sẽ hỗ trợ các đơn vị cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu. CCTPA cũng nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, giúp các giao dịch được xác thực, bảo mật và minh bạch, tăng cường sự tin tưởng giữa các bên tham gia. Đây cũng là giải pháp tối ưu và cũng là hướng đi rất khác biệt.

Các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về tín chỉ carbon nhận định, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam
Những nhiệm vụ cụ thể của CCTPA.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, “Net zero” mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 là mục tiêu rất tham vọng và thách thức. Việc xây dựng thị trường carbon chính là chìa khóa.

Việc ra mắt CCTPA sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống, mang lại lợi ích cho người dân, nâng cao giá trị kinh doanh cho các doanh nghiệp tham gia, hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Ngay tại sự kiện ra mắt, CCTPA đã ký kết hợp tác với Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển, các đơn vị nghiên cứu khoa học, tổ chức tài chính và đơn vị kiểm định quốc tế… cộng hưởng các nguồn lực cùng kiến tạo những giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ xanh giảm phát thải carbon, phối tổ chức các chương trình chuyển đổi xanh, vì mục tiêu Net Zero.

Nhân dịp này, CCTPA cũng đã trao tặng 5.000 cây giống, hưởng ứng sáng kiến “Lấn cát tạo sinh kế” gây quỹ cây giống nha đam tạo sinh kế cho đồng bào Raglai ở Ninh Thuận - một chương trình do Treebank thực hiện, vừa tạo giá trị môi trường và vừa góp phần cải thiện sinh kế cho những người còn khó khăn, tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO₂) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO₂. Việc mua bán sự phát thải khí CO₂ hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.

Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

N.H

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống