Cùng đi có Giám đốc Chi nhánh Phát điện Dầu khí Hồ Công Kỳ, Phó Giám đốc Hoàng Quyết Thắng; Phó trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo Petrovietnam Nguyễn Ngọc Hải; Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý dự án Nhiệt điện dầu khí (QLDA NĐDK) Thái Bình 2 Hồ Hữu Triển; Các Phó Tổng Giám đốc PETROCONs - Tổng thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2 Bùi Sơn Trường, Phạm Trung Kiên; Về phía NMNĐ Thái Bình 2 có Giám đốc Mai Văn Long, lãnh đạo các phòng ban, phân xưởng.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra kho vật tư nhà máy. |
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra một số hạng mục còn dang dở của NMNĐ Thái Bình 2 như trạm bơm nước làm mát, cảng nhận than và tiến độ sửa chữa bảo dưỡng 2 tổ máy chính. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng chủ trì giao ban công tác tại nhà máy.
Báo cáo tại buổi giao ban, Phó Tổng Giám đốc PETROCONs Bùi Sơn Trường cho biết, hiện nay các hạng mục chính cần hoàn thành tại dự án như bãi thải xỉ đã gần như hoàn thiện; hạng mục kho than số 3, hiện nay do giá cả thị trường đang cao nên ảnh hưởng đến tiến độ giao thầu xây lắp, dự kiến tháng 12 này sẽ tìm được nhà thầu đảm nhiệm và hoàn thiện trong vòng 10 tháng tới; đối với hạng mục cẩu nhận than số 5, Nhà thầu FLSchmit đang vận chuyển thiết bị về công trường, dự kiến tháng 3/2024 sẽ hoàn thành lắp đặt chạy thử, tiến tới hoàn thành hệ thống vận chuyển và nhận than của toàn bộ nhà máy.
Các hạng mục lớn như kho dự bị đang thi công trong vòng 5 tháng nữa mới hoàn thành. Hiện nay nhà máy đang sử dụng kho tạm của Tổng thầu thay cho kho chính. Về trách nhiệm bảo hành thiết bị, Tổng thầu đang cố gắng hết sức thực hiện các trách nhiệm bảo hành nhà máy để phục vụ công tác vận hành nhà máy, sửa chữa, mua sắm thiết bị thay thế. Tổng thầu đang phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA để xử lý các vấn đề phát sinh trong bảo hành, bảo dưỡng thiết bị, mua sắm thiết bị thay thế (trong vòng 2 năm). Hai bên cũng đang tích cực hoàn thiện các hạng mục hồ sơ thanh quyết toán dự án.
Đoàn công tác Tập đoàn kiểm tra xử lý sự cố tại trạm bơm nước làm mát. |
Về các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC), cũng bị chậm tiến độ do vận chuyển từ nước ngoài về công trường, hệ thống các đèn báo cháy, thoát hiểm chưa lắp đặt được, một số đèn bị quá hạn nên phải lắp thêm đèn theo đúng quy định về PCCC. Đến nay đã hoàn thiện và được nghiệm thu trên giấy tờ, dự kiến tuần sau sẽ có đoàn kiểm tra của Cục PCCC xuống công trường kiểm tra thực địa. Tổng thầu cũng Ban QLDA đang nỗ lực để có giấy phép trong tháng 12/2023 về PCCC của nhà máy.
Thay mặt Ban QLDA, Phó Trưởng ban Phụ trách Hồ Hữu Triển cho biết, các hạng mục còn lại tại NMNĐ Thái Bình 2 đang chậm tiến độ đề ra. Riêng hạng mục bãi thải xỉ đã hoàn thành theo yêu cầu. Về hạng mục PCCC, Tổng thầu đã hoàn tất các yêu cầu của Cục PCCC và đang chờ kiểm tra hiện trường cũng như nghiệm thu hoàn tất. Chỉ khi có giấy phép PCCC thì mới đủ hồ sơ tiến hành nghiệm thu dự án cũng như xin cấp phép phát điện thương mại. Ban QLDA cũng đang phối hợp với Tổng thầu liên tục rà soát, hệ thống lại các hồ sơ, phụ lục hợp đồng EPC để sẵn sàng cho công tác quyết toán dự án.
Báo cáo giao ban, Giám đốc Chi nhánh phát điện Dầu khí Hồ Công Kỳ cho biết, tính đến ngày 10/12/2023 NMNĐ Thái Bình 2 sản xuất được hơn 2,05 tỉ kWh điện khả năng chỉ thực hiện được 88% kế hoạch sản xuất của năm 2023. Nếu tính cả lượng điện trong giai đoạn chạy thử 648 triệu kWh thì đạt 95% sản lượng đề ra. Ông Hồ Công Kỳ thông tin, nguyên nhân không đạt kế hoạch sản xuất chủ yếu do nhà máy được điều động quá thấp. Mặt khác, do một số yêu cầu chưa hoàn thành nên nhà máy chưa được cấp COD (giấy phép phát điện thương mại tạm thời) nên không được đưa vào diện ưu tiên huy động điện.
Đoàn công tác Tập đoàn tại trạm xử lý nước NMNĐ Thái Bình 2. |
Thay mặt Chi nhánh Phát điện Dầu khí, ông Hồ Công Kỳ cũng bày tỏ sự lạc quan với kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của NMNĐ Thái Bình 2 do vị trí trung tâm của miền Bắc nên khi được cấp chứng chỉ phát điện thương mại, được đưa vào diện ưu tiên huy động điện thì trong năm tới NMNĐ Thái Bình 2 sẽ phấn đấu đạt và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra với sản lượng 6,5 đến 6,7 tỉ kWh điện.
Sau khi lắng nghe ý kiến chuyên môn của lãnh đạo Ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã khẳng định, qua khảo sát và báo cáo hiện trạng cho thấy một số vấn đề lớn như không đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó nổi bật là chưa hoàn thành các thủ tục nên không được cấp COD; thứ hai là kiểm soát công tác vận hành và sửa chữa bảo dưỡng và xử lý sự cố còn chậm, mất nhiều thời gian; thứ ba triển khai công tác thử nghiệm cũng chậm, chưa đồng bộ nên dù rất cố gắng vẫn chỉ sản xuất được gần 2,5 tỉ kWh. Do đó, có 3 nhiệm vụ lớn trong năm 2024 gồm công tác quản lý dự án, công tác tối ưu sản xuất NMNĐ Thái Bình 2 và công tác quản trị sản xuất kinh doanh của Chi nhánh Phát điện Dầu khí.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì giao ban NMNĐ Thái Bình 2. |
Về nhóm nhiệm vụ quản lý dự án, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị Ban QLDA rà soát lại các hạng mục còn dang dở, lên kế hoạch chi tiết, đưa ra thời hạn cuối cùng hoàn thiện về các hạng mục trên đường găng như kho vật tư, hệ thống vận chuyển than theo đúng thiết kế nhà máy. Liên quan đến bảo hành, cần phối hợp chặt chẽ giữa Ban QLDA, Chi nhánh và Tổng thầu trao đổi rõ kế hoạch xử lý, khi phát sinh thì phải thống nhất xử lý sao cho chủ động, nhanh, gọn và tiết kiệm nhất.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu Ban QLDA, Tổng thầu tập trung hoàn thành nghiệm thu PCCC trong tháng 12/2023; báo cáo Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước ngay sau khi Cục PCCC hoàn tất kiểm tra hiện trường.
Nhiệm vụ thứ hai liên quan công tác vận hành bảo dưỡng và tối ưu hóa sản xuất của nhà máy. Ban lãnh đạo nhà máy cần rút kinh nghiệm trong năm 2023, chủ trì tối ưu hóa vận hành nhà máy sao cho đạt mục tiêu sản lượng 2024 là 6,5 tỉ kWh điện.
Nhiệm vụ thứ ba liên quan công tác quản trị, sản xuất kinh doanh của Chi nhánh Phát điện Dầu khí, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu lãnh đạo Chi nhánh tập trung hoàn thành mục tiêu đặt ra, phát huy tối đa khả năng sản xuất của các nhà máy điện của Tập đoàn theo hướng tối ưu, có tính cạnh tranh cao. Chi nhánh cần xây dựng kế hoạch quản trị trong một cách linh hoạt 5 năm có lộ trình tối ưu, khấu hao, thu hồi vốn, xanh hóa nhà máy, lên lộ trình chuyển đổi nguyên liệu (đốt kèm than, dần thay thế cho đốt than). Phối hợp với Bộ Công Thương, EVN, A0 trong tối ưu huy động điện.
Cuối cùng, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs, Chinh nhánh Phát điện Dầu khí cần tập trung vào hoàn tất các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu nhà máy, báo cáo quyết toán tài chính dự án. Đặc biệt, phải dứt điểm toàn bộ các vấn đề, kiểm điểm từng hạng mục công việc để hoàn thành COD ngay trong năm 2023.
Tổng Giám đốc Petrovietnam bày tỏ sự cảm thông đối với lãnh đạo, cán bộ công nhân viên tại NMNĐ Thái Bình 2, dù là một nhà máy mới đi vào hoạt động lại có tính đặc thù nên còn nhiều khó khăn, gian nan trong vận hành nhưng cũng cần phải quyết tâm hơn nữa, cần có tiên lượng, dự báo tốt hơn để nhanh chóng tối ưu sản xuất của nhà máy.
Thành Công
Đại biểu Quốc hội ấn tượng với sự chuyển biến của ngành Dầu khí |
Kỳ 1: Công tác tổ chức cán bộ linh hoạt, hiệu quả |
Tập trung tháo gỡ vướng mắc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Giữ vững an ninh, an toàn cho NMNĐ Thái Bình 2 |
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống