Các tàu của Mỹ và đồng minh thực hiện cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 7/4/2024. (Nguồn: US Navy) |
Thượng tôn luật pháp quốc tế
Các quan chức quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong tuần này đã có cuộc đối thoại trực tuyến quan trọng, với các chủ đề trọng tâm là lên án việc Triều Tiên phóng vệ tinh, thử tên lửa đạn đạo, chuyển giao vũ khí cho Nga và không thiếu thông điệp gửi tới Trung Quốc về Biển Đông.
Đối thoại Quốc phòng ba bên (DTT) lần thứ 14 giữa Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc phụ trách Chính sách Cho Chang-rae, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner và Tổng Giám đốc Chính sách quốc phòng Nhật Bản Koji Kano nhấn mạnh, hợp tác an ninh ba bên cần phải được tăng cường để góp phần mang lại hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đại diện ba nước gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng: “Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và mạnh mẽ phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc..., nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ quyền tự do hàng hải và hàng không, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là yếu tố không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”.
Hạ nhiệt căng thẳng
Tại cuộc họp báo ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết, cuộc điện đàm trực tuyến gần đây giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có ý nghĩa tích cực trong việc duy trì sự ổn định chung trong mối quan hệ quân sự song phương.
Lãnh đạo quốc phòng hai nước đã trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về các trao đổi cấp nhà nước cũng như quân đội, về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Biển Đông cùng hàng loạt hồ sơ quốc tế nóng khác mà hai bên cùng cùng quan tâm. Cuộc thảo luận được tuyên bố là gặt hái những kết quả tích cực và thực tế.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc điện đàm là bước đi quan trọng của quân đội hai nước trong việc thực hiện đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đã đạt được. Từ cuối năm ngoái, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt trao đổi và hợp tác, đóng vai trò tích cực trong việc ổn định và cải thiện mối quan hệ song phương.
Ông Ngô Khiêm bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc theo cùng hướng, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng; xây dựng mối quan hệ quân sự không xung đột, không đối đầu, hợp tác cởi mở và từng bước xây dựng lòng tin nhằm củng cố hơn nữa sự ổn định trong quan hệ song phương.
Cùng ngày, các quan chức hải quân hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi để thảo luận về những “thách thức an ninh ngày càng gia tăng" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các cuộc thảo luận giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng vừa có chuyến công du Trung Quốc để gặp các nhà lãnh đạo nước này và trao đổi một loạt vấn đề đang làm trầm trọng thêm căng thẳng song phương.
Bài toán phức tạp nhất trong quan hệ Mỹ - Trung
Theo South China Morning Post ngày 25/4, các học giả Mỹ thống nhất cho rằng, rủi ro lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc không còn là eo biển Đài Loan, mà là Biển Đông, về dài hạn là cạnh tranh công nghệ.
Ngày 23/4, sau khi tham gia diễn đàn kín “Trao đổi ba bên” lần thứ 5 do Viện nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) tổ chức, các học giả Mỹ và Trung Quốc đã lần lượt trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương.
Zack Cooper, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ nhận định rằng, một năm trước vấn đề lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc là eo biển Đài Loan, tuy nhiên hiện tại trước căng thẳng ở Biển Đông thì đây là trở ngại đáng lưu tâm trong quan hệ giữa hai cường quốc và tình hình Biển Đông sẽ phải đối diện với rủi ro leo thang lớn.
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam Ong Keng Yong trả lời phỏng vấn cho biết, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc nối lại tương tác cấp cao, sự trao đổi của học giả hai nước so với một năm trước đã không còn căng thẳng và sự thờ ơ. Ông Ong Keng Yong nhấn mạnh, diễn đàn được tổ chức tại Singapore cung cấp cơ hội trao đổi thẳng thắn cho hai bên, lắng nghe lẫn nhau, mong rằng điều này có thể giúp Singapore phát huy vai trò quan trọng hơn trên các phương diện như quan hệ quốc tế, tương tác ngoại giao.
Theo Vy Anh, Báo Thế giới & Việt Nam
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống