Vì sao ngành than châu Á vẫn sẽ tồn tại lâu dài bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng?

 
Hungary hy vọng Ukraine đảm bảo quá trình trung chuyển dầu của Nga
Một mỏ than lộ thiên ở Ordos, Nội Mông, Trung Quốc

Ngành than châu Á đã thể hiện sự lạc quan tại cuộc họp mặt lớn nhất của ngành, tại Hội nghị Coaltrans châu Á được tổ chức vào tuần này tại đảo Bali, Indonesia.

Động lực giúp thay đổi đối với ngành than là họ không còn tin rằng năng lượng tái tạo có thể được triển khai đủ nhanh, đủ rẻ và đủ quy mô để đẩy nhiên liệu hóa thạch ra khỏi cơ cấu năng lượng của châu Á.

Septian Hario Seto, Thứ trưởng Đầu tư tại Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, phát biểu tại hội nghị: “Thực tế là nhu cầu than sẽ tiếp tục tăng”.

Đây là một quan điểm chung, khi các đại biểu bày tỏ sự hoài nghi về con đường đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 được các cơ quan phương Tây như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ủng hộ.

Mặc dù than tiềm ẩn một số mối đe dọa so với khí đốt tự nhiên, nhưng quan điểm của hầu hết mọi người tham gia thị trường đều cho rằng than vẫn là giải pháp thay thế rẻ hơn và an toàn hơn.

Người ta cũng nhận ra rằng quá trình chuyển đổi năng lượng có ý nghĩa rất khác nhau ở các khu vực và quốc gia khác nhau.

Có thể lập luận rằng bài học mà hầu hết các nước châu Âu đã rút ra từ thực tế giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và mối lo ngại về an ninh nguồn cung từ cuộc xung đột ở Ukraine là họ sẽ phải đẩy nhanh tiến trình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Các quốc gia châu Âu có thể đủ khả năng thực hiện những biện pháp như vậy và cam kết đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng các giải pháp năng lượng gió, năng lượng mặt trời và lưu trữ với tốc độ nhanh chóng.

Bài học ở châu Á dường như hoàn toàn ngược lại, với mối quan tâm chính là chi phí năng lượng.

Đối với nhiều nước châu Á, việc nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo là quá tốn kém, cần có những khoản đầu tư khổng lồ để định hình lại lưới điện nhằm đối phó với nguồn điện thay đổi từ năng lượng gió và mặt trời, cũng như bố trí khả năng phát điện để dự phòng nguồn cung năng lượng tái tạo, chẳng hạn như các nhà máy chạy bằng khí đốt, hydro và lưu trữ pin.

Mặc dù các tấm pin mặt trời và tuabin gió có thể tương đối rẻ khi so sánh với việc xây dựng một nhà máy điện đốt than, nhưng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ năng lượng tái tạo lại không như vậy, và đây là mối quan tâm chính của các nước châu Á.

Ngoài ra, có quan điểm cho rằng nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ tăng nhanh trong vài thập kỷ tới, và để đáp ứng điều đó có nghĩa là phải sử dụng mọi nguồn tài nguyên, bao gồm cả trữ lượng than khổng lồ ở các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống