Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những nội dung chia sẻ về thành tựu đạt được trong quá trình chuyển đổi số tại một số cơ quan báo chí, những thách thức đặt ra với các đơn vị trong thời đại số; nhận định về sự tác động của công nghệ trong lĩnh vực báo chí và cơ hội, giải pháp công nghệ trong tương lai.
Chia sẻ tại sự kiện, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết: Chuyển đổi số báo chí đang là từ khóa nóng được đề cập tại nhiều diễn đàn nghiệp vụ của người làm báo. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi chuyển đổi số báo chí không còn chỉ là một xu hướng thời thượng mà thực sự đã trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống báo chí nước ta, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những mục tiêu rất cụ thể.
Chuyển đổi số báo chí, như tên gọi của thuật ngữ, có nội hàm hiển nhiên không thể tách rời về vai trò của công nghệ như là nền tảng, là bệ phóng cho bước phát triển lên trình độ mới của báo chí. Sự thiếu vắng của đội ngũ phát triển công nghệ trong các cơ quan báo chí một phần có nguyên nhân khách quan, nhưng mặt khác nó chính là nguyên nhân của sự chậm trễ của nhiều tòa soạn trong việc bắt kịp hành trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cũng chia sẻ về trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, trong bối cảnh khó khăn chung khi các đơn vị đang chịu suy giảm nghiêm trọng về nguồn thu. Thông qua phần trình bày, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cũng đưa ra thông điệp chuyển đổi số báo chí và truyền thông sẽ ngày càng giao thoa nhiều hơn trong một khái niệm mở rộng là nội dung số. Cùng nhau nhận diện những vấn đề về công nghệ báo chí - truyền thông sẽ giúp cả hai bên khai phá những cơ hội kinh doanh cùng có lợi, sáng tạo ra những giá trị mới "Make in Việt Nam", và qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Với chủ đề "Đưa toàn bộ quy trình, hoạt động nghiệp vụ báo chí lên môi trường số", ông Nguyễn Khắc Văn - Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa ra thông tin tổng quan về quá trình chuyển đổi số của đơn vị. Theo đó, Ban biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận thức rõ chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu phải tiến hành trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đảm bảo sự vận hành quy trình tác nghiệp - xuất bản và kinh tế báo chí theo hướng thống nhất, tận dụng tất cả các nguồn lực để sản xuất ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí dưới nhiều dạng thức khác nhau, cũng như tạo điều kiện cơ bản để báo tham gia vào hệ sinh thái truyền thông số một cách mạnh mẽ hơn, mở rộng đối tượng công chúng và tạo thêm nguồn thu mới.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), tính ứng dụng trong các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực truyền thông, báo chí nói riêng. Qua những trải nghiệm gặp gỡ, làm việc cùng các đơn vị báo chí lớn trên thế giới, cùng những đánh giá, cá nhân, ông đưa ra dự báo về sự thay đổi của tòa soạn số trong tương lai với những con số ấn tượng.
Ngoài ra, tọa đàm cũng nêu các vấn đề như bản quyền, quảng cáo trên báo chí, giải pháp công nghệ như nền tảng sử dụng chung, công cụ đánh giá… được các đại biểu đặt ra với những trăn trở và khó khăn đang đối mặt, từ đó đề xuất mong muốn, giải pháp để sớm khắc phục hạn chế đang tồn tại và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, đồng bộ.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống