Dịch vụ thuê ngoài tăng trưởng nhờ chuyển đổi số

 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cả nước hiện có hơn 900.000 doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ đang đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME đánh giá nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có lợi thế là sự linh hoạt và luôn bình tĩnh trước các khó khăn, thể hiện bản lĩnh và chắc chắn tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, do ở quy mô hạn chế, nhóm này thường xuyên phải đối mặt với khó khăn trong công tác tài chính, kế toán, thiếu hụt về nhân sự chuyên môn và chất lượng cao. Để giải quyết vấn đề, ông Lê Khánh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam cho biết trên thế giới, các doanh nghiệp, tổ chức có xu hướng thuê dịch vụ từ những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp nhằm tập trung vào phát triển những giá trị cốt lõi cũng như quyết định kinh doanh.

Dịch vụ kế toán - tài chính trên nền tảng số đang hỗ trợ đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ trong hoạt động và tiết kiệm chi phí

Dịch vụ kế toán - tài chính trên nền tảng số đang hỗ trợ đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ trong hoạt động và tiết kiệm chi phí

Anh Quân

Quy mô toàn cầu của thị trường outsourcing dịch vụ được định giá 261,9 tỉ USD vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR) đạt 8,5%. Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Market US, quy mô toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, ước đạt 544,8 tỉ USD vào năm 2032. Trong đó, Đông Nam Á sẽ là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

"Doanh thu dịch vụ thuê ngoài ngành tài chính, kế toán, thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất là 21,1% vào năm 2022. Xu hướng thuê ngoài dịch vụ tài chính và kế toán, thuế được dự đoán sẽ tăng trưởng trong giai đoạn tới", ông Lê Khánh Lâm chia sẻ tại buổi tọa đàm "Quản trị tài chính - Kế toán - Thuế hiệu quả khi thuê dịch vụ trên nền tảng số" diễn ra ở Hà Nội sáng 15.8.

Theo lãnh đạo RSM, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào thuê dịch vụ tài chính, kế toán giúp doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh tiếp cận đội ngũ kế toán chuyên nghiệp, chuyên môn cao, tiết kiệm thời gian, chi phí để nâng cao hiệu quả công việc và tăng lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, công nghệ cũng cho phép các đơn vị quản lý được toàn bộ dữ liệu tài chính để đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả dựa trên nền tảng dữ liệu liên thông, cập nhật theo thời gian thực.

Thực tế, việc thuê dịch vụ kế toán theo phương thức truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp bị động trong việc quản trị dữ liệu tài chính. Hiện nay, công nghệ phát triển đã kết nối doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu với các đơn vị kế toán thông qua nền tảng số giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Bà Bùi Thị Trang, Giám đốc phát triển nền tảng MISA ASP cho biết: "Thông qua nền tảng cung cấp dịch vụ tài chính - kế toán thuê ngoài, các đơn vị hoàn toàn làm chủ dữ liệu, chủ động nắm bắt số liệu kinh doanh tức thì để đưa ra các chiến lược vận hành phù hợp, kịp thời. Họ có thể linh hoạt thay đổi đơn vị kế toán dịch vụ vì các dữ liệu được kế thừa, đảm bảo tính bảo mật và đồng bộ".

Theo tính toán của MISA, việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính - kế toán giúp tiết kiệm 75% chi phí tài chính, kế toán cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh so với việc tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức truyền thống. Bên cạnh đó, các nền tảng dịch vụ thuê ngoài đang nhanh chóng ứng dụng nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu (data science), Chat GPT... để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng do chuyển đổi số như hiện nay, giúp bên thuê sớm tiếp cận công nghệ mới và ngày càng tối ưu kinh doanh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống