Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (TT-TT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong số 7,3 tỉ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỷ lệ điện thoại thông minh là 63% thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có smartphone vào cuối năm 2024.
Để hiện thực hóa mục tiêu này khi chỉ còn 9 tháng, mới đây Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết sẽ thúc đẩy địa phương trên cả nước để mỗi người Việt trưởng thành sẽ có một smartphone.
Trong đó, hướng tập trung trước mắt là ưu tiên các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vì đây là nhóm đối tượng chưa có điều kiện để tiếp cận điện thoại thông minh. Danh sách này sẽ do địa phương rà soát trên địa bàn để xác định theo các tiêu chí. Nguồn lực phổ cập smartphone sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích, ngoài ra có thể địa phương vận động từ nguồn khác, xã hội hóa từ doanh nghiệp để triển khai trong trường hợp vượt khả năng của quỹ.
Thông tư 14 của Bộ TT-TT có quy định hằng năm, chương trình sẽ tài trợ một lượng smartphone nhất định theo các tỉnh, dựa trên tỷ lệ hộ nghèo được xác định chưa có thiết bị thông minh tại địa phương. UBND cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm quyết định tiêu chí, cách phân bổ thiết bị tới các đơn vị hành chính nhỏ hơn trước khi tới tay người dân.
Những hộ thuộc nhóm được xét duyệt sẽ cần thêm một số điều kiện như chưa được hỗ trợ thiết bị từ chương trình này, chưa nhận thiết bị học trực tuyến từ chương trình "Sóng và máy tính cho em". Trong trường hợp hộ được phê duyệt đã có máy hoặc muốn tự mua sẽ nhận khoản tiền hỗ trợ 500.000 đồng.
Ngoài ra, các đơn vị trong nước cũng đang phối hợp với nhau để mang smartphone đến gần người nghèo hơn, thông qua các chương trình ưu đãi, giảm giá, cung cấp những dòng điện thoại thông minh đầy đủ chức năng cơ bản, cần thiết dành cho người mới bắt đầu.
Việc sử dụng smartphone để thúc đẩy chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến đi liền với quá trình triển khai mạng dữ liệu di động 4G, 5G cũng như mạng băng thông rộng (internet). Theo Bộ TT-TT, mặc dù Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Cụ thể, độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%.
Với việc đấu giá thành công băng tần 5G mới đây của một nhà mạng lớn, việc triển khai công nghệ mạng di động mới nhiều khả năng trở thành hiện thực trong năm 2024, bước đầu cho kế hoạch phủ sóng 5G đến 99% dân số vào năm 2030.
Hiện nay, cước phí dữ liệu tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới, tạo điều kiện để mọi người dân sử dụng internet băng rộng cũng như di động, tiếp cận không gian số.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đặt mục tiêu quy hoạch đến năm 2025, mạng băng rộng cố định bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu, với 90% người sử dụng có thể truy nhập internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/giây; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập internet với tốc độ trung bình 1 Gb/giây; mạng băng rộng di động tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/giây cho mạng 4G và 100 Mb/giây cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh…
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống