Theo đó, "Mạng lưới đổi mới sáng tạo y tế" đã được phối hợp xây dựng bởi Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca Việt Nam. Mạng lưới là tập hợp các cá nhân, tổ chức y tế, cùng chung tay đóng góp trí tuệ và nguồn lực, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh của thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Song song đó, nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính, là những bệnh đang gây gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu.
Chính vì vậy, cùng với kiểm soát dịch bệnh thì phòng, chống bệnh không lây nhiễm đang là một ưu tiên trong chính sách y tế của Việt Nam, trong đó nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng cho việc xây dựng chính sách, tìm ra các biện pháp, các can thiệp hiệu quả nhất để giải quyết những bệnh này.
Trong gần ba thập kỷ có mặt tại Việt Nam, AstraZeneca đã hợp tác với Bộ Y tế và các đối tác trong ngành để thực hiện nhiều chương trình có sức ảnh hưởng, nhằm thúc đẩy nhận thức, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tật.
Điển hình là chương trình "Vì lá phổi khỏe" nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi; chương trình "Sức khỏe Thanh thiếu niên" nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở thanh thiếu niên; chương trình "CaReMe-Yêu lấy mình" để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân trong nhóm Tim mạch - Thận - Chuyển hóa... nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế Việt Nam để có thể ngăn ngừa và ứng phó với các rủi ro trong tương lai.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống