Các hệ thống phòng không chứng minh hiệu quả, mở màn chạy đua vũ trang

 

Cuộc chiến của những chiếc tên lửa

Tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa đang được sử dụng tại nhiều “điểm nóng” xung đột trên thế giới. Giới chức Mỹ và Israel cho biết Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Israel trong ngày 13/4. Loạt máy bay tấn công SM-3 của Mỹ và Arrow của Israel đã bắn hạ gần như toàn bộ số tên lửa, trong khi hệ thống phòng không Iron Dome nhanh chóng tiêu diệt những mối nguy hiểm còn lại.

Trong những tháng trước, các tên lửa đánh chặn được phóng từ các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã thành công ngăn chặn tên lửa chống hạm của Houthi. Trên chiến trường Ukraine, các khẩu đội MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất cũng cho thấy hiệu quả trước tên lửa Iskander và Khinzal hiện đại của Nga.

Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã chuyển tên lửa ATACMS, được cho là có tầm bắn lên tới 300 km cho Ukraine như một phần của gói viện trợ vũ khí trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi giữa tháng 3. Đợt viện trợ quân sự mới của Nhà Trắng được kỳ vọng là sẽ xoay chuyển tình hình chiến sự đang bế tắc tại Ukraine.

Tại cuộc họp báo hồi tháng 4, người phát ngôn Tập đoàn quân sự Lockheed Martin cho biết “hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay”. Nhiều chuyên gia an ninh dự đoán các công ty chế tạo vũ khí như Lockheed Martin sẽ tiếp tục được hưởng lợi do quân đội các nước đang đẩy mạnh đầu tư vào các loại vũ khí này sau khi chứng kiến hiệu quả tác chiến của chúng trên chiến trường.

“Xung đột leo thang ở nhiều nơi sẽ mở màn cho một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia, đặc biệt trong việc trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa”, chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) nói.

Thế giới đứng trước một cuộc chạy đua vũ trang

Hiện nhiều quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đức, Thụy Điển và Ba Lan đang sở hữu những hệ thống hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của phương Tây do Tập đoàn quân sự RTX sản xuất. Tại châu Á, Saudi Arabia sử dụng hệ thống phòng không Patriot và THAAD của Tập đoàn Lockheed Martin trong nhiều năm nhằm ứng phó với các cuộc tấn công của Houthi. Kuwait, Qatar và Bahrain đầu tư vào tổ hợp Patriot, còn Oman bày tỏ sự quan tâm đến các hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự.

Theo báo cáo năm 2023 của Lầu Năm Góc, Lực lượng tên lửa của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang có khoảng 500 tên lửa DF-26, được thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu cách xa hàng nghìn km. Điều này có thể đặt các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại Nhật Bản và đảo Guam tại Thái Bình Dương vào tầm ngắm nguy hiểm, trước viễn cảnh các cuộc không kích có thể xảy ra chỉ khoảng 30 phút sau khi Washington nhận được cảnh báo.

Hồi tháng 4, Tập đoàn Lockheed Martin đã giành được hợp đồng sản xuất máy bay đánh chặn thế hệ tiếp theo cho chương trình Phòng thủ tầm trung trên mặt đất (GMD) trị giá 17,7 tỷ USD. Mỹ có kế hoạch mua thêm 20 tên lửa đánh chặn và triển khai các tên lửa này tại Alaska, nhằm mục tiêu bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hãng tin Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất mức ngân sách quốc phòng cao kỷ lục trong năm 2025, lên tới 895 tỷ USD, tăng 1% so với năm trước.

Chuyên gia nghiên cứu tên lửa Jeffrey Lewis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin cho biết: “Cuộc chạy đua vũ trang bắt đầu khi các quốc gia muốn trang bị thêm vũ khí, đặc biệt là tên lửa, vì lo sợ yếu thế trước các quốc gia khác trong trường hợp xảy ra xung đột”.

Cái giá để bảo vệ đất nước

Các hệ thống phòng thủ tên lửa là tài sản quân sự có giá trị lớn lên tới hàng tỷ USD, bởi chúng bao gồm nhiều loại thiết bị đi kèm. Hệ thống này hoạt động bằng cách phát hiện vũ khí tấn công khi phóng hoặc đang bay, sau đó sử dụng radar định vị để dẫn đường cho máy bay đánh chặn tấn công mục tiêu. Mỗi hệ thống phòng không Patriot được định giá 1,11 tỷ USD, trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD Patriot đắt hơn gấp đôi, chạm mốc 2,25 tỷ USD.

Theo chuyên gia Jeffrey Lewis, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các quốc gia phát triển hơn như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc mới có khả năng chi trả cho các hệ thống phòng không đắt đỏ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này "cần nhanh chóng củng cố hệ thống phòng thủ quốc gia, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp". Hiện Tokyo đang đầu tư vào bản cải tiến của hê thống Patriot cải tiến, nhằm tăng cường khả năng chống tên lửa của hải quân.

"Chúng ta cần phải bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các trung tâm chỉ huy quan trọng bằng bất cứ giá nào, bởi mất đi cơ sở “đầu não” đồng nghĩa với thua cuộc", ông Yoji Koda, cựu tổng tư lệnh Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản nói.

Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp hơn cũng không bỏ qua cơ hội đầu tư vào loại tên lửa đạn đạo, bởi chi phí của một tên lửa đạn đạo thường rẻ hơn nhiều so với hệ thống phòng không.

Chuyên gia Jeffrey Lewis cho rằng mỗi quốc gia đều có cách trang bị vũ khí tùy theo khả năng tài chính, tuy nhiên “cuối cùng, tất cả các khoản chi quốc phòng đều liên quan đến mục đích chính trị”.

"Câu hỏi vô cùng đơn giản: Các bạn có muốn bảo vệ đất nước hay không? Tất nhiên, câu trả lời luôn là ‘Có’”, ông Lewis nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống