Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, Moskva có khả năng sử dụng kỹ thuật đảo ngược để giải mã các hệ thống vũ khí tinh vi của phương Tây mà nước này thu giữ được ở Ukraine.
Ông Putin lưu ý cả Nga và các nước phương Tây đều có vũ khí hiện đại, và rằng Moskva không có ý định bỏ qua cơ hội kiểm tra công nghệ phương Tây.
"Nếu có cơ hội kiểm tra bên trong và xem liệu có thứ gì mà chúng tôi có thể áp dụng, thì tại sao không?", ông Putin nói.
Kỹ thuật đảo ngược
Kỹ thuật đảo ngược (reverse engineering) là quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị thông qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó. Trong quá trình này, người ta thường phải tháo dỡ thiết bị.
Theo chuyên gia quân sự Nga Anatoliy Matviychuk, các chuyên gia vũ khí của nước này đã đạt được khá nhiều thành công trong kỹ thuật đảo ngược trên mọi lĩnh vực ứng dụng.
Hiện tại Mỹ và các đồng minh đã rót gần 100 tỷ USD trang thiết bị quân sự vào Ukraine trong 18 tháng qua, làm cạn kiệt kho vũ khí của chính họ. Trong số những vũ khí phương Tây gửi tới Kiev có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley, pháo phản lực cơ động cao HIMARS, tên lửa hành trình Storm Shadow, tên lửa phòng không Patriot và NASAMS và cả pháo tự hành Caesar.
Kể từ đầu cuộc xung đột cho đến nay, quân đội Nga đã thu giữ số lượng lớn các thiết bị quân sự của phương Tây từ đơn giản đến phức tạp, ngay cả xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley cũng không ngoại lệ. Đầu tháng 7, phía Nga còn thu giữ được gần như nguyên vẹn một tên lửa hành trình Storm Shadow.
"Bất kỳ thiết bị quân sự chiến lợi phẩm nào chúng tôi thu được trên chiến trường đều có giá trị về tính năng thiết kế, giải pháp thiết kế nhất định cho một số thành phần của nó", ông Matviychuk phân tích.
“Lấy ví dụ về xe tăng Leopard, các kỹ sư Nga sẽ quan tâm đến hệ thống giáp và điều khiển hỏa lực của xe tăng. Bradley cũng rất đáng quan tâm khi chúng được trang bị pháo tự động 25 mm”, chuyên gia này nói thêm.
Cũng theo ông Matviychuk, thiết bị quân sự của phương Tây sẽ được các kỹ sư Nga nghiên cứu cẩn thận, thậm chí so sánh chúng với sản phẩm cùng loại của Nga. Từ đó sẽ có các khuyến nghị về phương pháp hóa giải loại vũ khí này trên chiến trường.
Vô hiệu hóa HIMARS
Theo ông Matviychuk có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Nga đã lợi dụng việc phân tích các thiết bị quân sự phương Tây thu giữ được, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa.
"Những quả đạn rocket HIMARS mà chúng tôi thu giữ được từng có thể qua mặt các hệ thống phòng không tầm thấp của Nga khá tốt. Giờ đây phòng không Nga hoàn toàn có thể đánh chặn HIMARS”, ông Matviychuk nói.
Trường hợp của Storm Shadow cũng tương tự, nó chỉ khiến phòng không Nga bỡ ngỡ trong những ngày đầu nhưng sau đó nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Có đến 90% tên lửa hành trình kiểu này bị đánh chặn.
Theo Matviychuk ngay từ đầu năm nay, các hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 đã được tích hợp thêm các hệ thống quan sát ảnh nhiệt mới và cả cập nhật phần mềm cho phép tăng đáng kể tỷ lệ đánh chặn HIMARS.
Tuần trước, một giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn công nghệ khổng lồ Rostec của Nga cho biết hiệu quả của các hệ thống Pantsir-S1 sau khi nâng cấp đạt 100% trước các tên lửa HIMARS trên chiến trường trong một số trường hợp.
"Bất kỳ loại vũ khí nào cũng được hiện đại hóa và cải tiến dựa trên kết quả sử dụng trong chiến đấu. Đây là một quá trình liên tục. Ví dụ sau khi Ukraine nhận được pháo phản lực HIMARS, các chuyên gia Rostec đã nâng cấp Pantsir-S1 để đánh chặn vũ khí này. Các ví dụ về các cuộc tấn công HIMARS bị Pantsir-S1 đánh chặn thành công là minh chứng rõ nhất. Thậm chí có trườn hợp tất cả 12 rocket phóng đi từ một hệ thống HIMARS đều bị bắn hạ", quan chức Rostec nói.
Cũng theo quan chức Rostec, vấn đề hiện tại là phải trang bị đủ các hệ thống phòng không được nâng cấp cho lực lượng Nga ở Ukraine. Trong khi đó quân đội Ukraine có xu hướng sử dụng thiết bị do phương Tây cung cấp để tấn công không chỉ các lực lượng Nga mà còn nhằm vào các khu vực dân sự, đặc biệt là ở vùng Donbass.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống