Sáng kiến “Năng lực tác chiến chống ngầm và đáy biển thông qua tính năng không người lái cho châu Âu” (SEACURE) có sự tham gia của 35 công ty từ 13 quốc gia châu Âu, nhằm nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm (ASW) và tác chiến đáy biển (SBW) thông qua sử dụng các hệ thống không người lái để bảo vệ cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng, gồm các cơ sở năng lượng, đường ống và cáp ngầm…
Dự án SEACURE tập trung giải quyết một loạt các thách thức phức tạp trong các hoạt động hải quân hiện đại - sử dụng các hệ thống không người lái trên không, trên mặt nước và dưới nước với mục tiêu phát hiện, phân loại, nhận dạng và theo dõi các mối đe dọa dưới nước. Khi các mối đe dọa trên biển trở nên tinh vi hơn và các mô hình chiến tranh truyền thống phát triển, nhu cầu về các hệ thống tiên tiến, thích ứng và có khả năng cao càng trở nên cấp thiết.

Chiến lược nhiều lớp này nhằm mục đích tích hợp các hệ thống không người lái để có giải pháp phòng thủ linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Máy bay Schiebel Camcopter S-300 sẽ đóng vai trò then chốt trong những nỗ lực này. Schiebel Camcopter S-300 dài 4,8 m, cao 1,9 m và rộng 0,9 m, có thể bay với tốc độ tối đa 120 hải lý/h (tốc độ bay ổn định 55 hải lý/giờ), có thể mang tới 340 kg (bao gồm nhiên liệu) và trọng lượng cất cánh tối đa có thể đạt tới 660 kg.
S-300 có thể hoạt động trong hơn 24 giờ trong vai trò trinh sát, mang theo nhiều loại tải trọng hiệu suất cao, bao gồm máy ảnh và Radar khẩu độ tổng hợp đảo ngược (ISAR). Đối với tải trọng 250 kg, hệ thống hoạt động liên tục đến 6 giờ, khiến nó trở thành một trong những hệ thống linh hoạt và có khả năng nhất. Điểm khác biệt của Camcopter S-300 so với các hệ thống UAS khác là khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL).
Tính năng này đặc biệt quan trọng trong các môi trường mà cơ sở hạ tầng không khả dụng, cho phép nhanh chóng triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau - từ tàu, căn cứ trên bộ hay thậm chí là tàu mặt nước không người lái (USV). Khả năng VTOL tăng cường tính tự chủ và phối hợp đa miền, cho phép tích hợp vào các hoạt động của hải quân, nơi tính linh hoạt và khả năng thích ứng là điều cần thiết để thành công trong môi trường hàng hải có tranh chấp.
Là một phần của dự án SEACURE, Camcopter S-300 sẽ hoạt động cùng với các nền tảng không người lái khác để cung cấp một mạng lưới phòng thủ toàn diện. Các hệ thống này sẽ cho phép phát hiện và giám sát theo thời gian thực các mối đe dọa dưới nước, như tàu ngầm, đồng thời rút ngắn thời gian phản ứng với các tình huống đang diễn biến, tạo hệ thống bảo vệ đa diện, linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các vùng biển và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Độ bền và các tùy chọn tải trọng linh hoạt của S-300 sẽ cho phép nó giám sát và bảo vệ cơ sở hạ tầng hàng hải chiến lược hiệu quả hơn so với các hệ thống có người lái truyền thống, thường bị hạn chế về hậu cần. Hơn nữa, sự phát triển liên tục của các hệ thống không người lái trong khuôn khổ SEACURE sẽ giúp tăng cường bảo vệ các vùng biển, giảm thiểu rủi ro cho người vận hành trong các môi trường có rủi ro cao.
Trọng tâm của dự án là tích hợp các hệ thống tự động có thể thực hiện nhiều vai trò khác nhau - từ phát hiện và phân loại đến theo dõi và vô hiệu hóa, phản ánh bản chất của các hoạt động hải quân hiện nay. Sự phát triển này sẽ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bảo vệ các tài sản quan trọng của quốc gia và châu Âu khỏi các mối đe dọa ngày càng gia tăng như cướp biển, phá hoại và xâm lược quân sự. Dự kiến vào năm 2028, SEACURE sẽ cung cấp dữ liệu và hiểu biết có giá trị về hiệu quả của các hệ thống không người lái trong cả chiến tranh chống tàu ngầm và chiến tranh dưới đáy biển.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống