Châu Âu không dễ từ bỏ vũ khí Mỹ

 

Theo Defense Express, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tháng 6 vừa qua, Litva đã phản đối việc từ bỏ các công ty quốc phòng của Mỹ trong hoạt động mua sắm vũ khí của châu Âu. Estonia cũng ủng hộ lập trường này. Ngoại trưởng Litva Kestutis Budrys cho rằng thị trường châu Âu có chỗ cho tất cả nhà cung cấp, bao gồm cả “đồng minh xuyên Đại Tây Dương”. Ngoại trưởng Estonia cũng ủng hộ điều này, đồng thời cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ có thể nhận được một phần trong số hàng nghìn tỷ euro mà EU dự kiến chi cho quốc phòng trong 7-8 năm tới. Litva và Estonia là những quốc gia tích cực mua sắm vũ khí từ Mỹ, bao gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, máy bay không người lái cảm tử Switchblade 600, tên lửa AIM-120 C8 và trực thăng đa dụng UH-60M Black Hawk.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Nguồn: defensenews.com 

Bất đồng trong nội bộ EU xung quanh vấn đề mua vũ khí Mỹ diễn ra khi quan hệ giữa khối này và Washington căng thẳng. Một số quốc gia thành viên đã kêu gọi ngừng mua vũ khí Mỹ, trong khi một số khác phản đối lập trường này. Bên cạnh đó, EU cũng đang đẩy mạnh nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng tự chủ hơn, bao gồm ưu tiên mua sắm các thiết bị quân sự do châu Âu sản xuất. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải nâng cao mức độ tự chủ của khối trước các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU, trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia châu Âu xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, đặc biệt là máy bay chiến đấu F-35 vốn được sử dụng rộng rãi. Ông Macron cũng đề nghị các đồng minh châu Âu cân nhắc chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất. Hãng tin India Today nhận định, ông Macron, người từ lâu đã bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, hiện đang tăng cường nỗ lực để biến quốc phòng châu Âu thực sự trở thành của châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp đang tích cực thúc đẩy các nước thành viên EU đầu tư vào các thiết bị quân sự do châu Âu sản xuất với lập luận rằng việc chuyển hướng khỏi công nghệ của Mỹ không chỉ tăng cường khả năng tự chủ của khu vực mà còn giúp giảm chi phí đáng kể.

Trong những năm gần đây, một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan và Phần Lan, đã tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân bằng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Ba Lan đã ký một thỏa thuận trị giá 4,6 tỷ USD vào năm 2020 để mua 32 chiếc F-35. Vào năm 2021, Phần Lan cũng đặt hàng 64 máy bay này. F-35 nổi tiếng với khả năng tàng hình, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và cảm biến hiện đại. Trong khi đó, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4,5 Rafale do Tập đoàn Dassault Aviation (Pháp) sản xuất nổi bật nhờ khả năng không chiến và tấn công mặt đất mạnh mẽ. Rafale được trang bị hệ thống chiến đấu trên không hiện đại để bảo đảm tính độc lập khi hoạt động, qua đó bảo đảm khả năng răn đe trước các mối đe dọa lớn.

Trực thăng đa dụng UH-60M Black Hawk do Mỹ sản xuất. Nguồn: defence-ua.com 
Máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4,5 Rafale do Tập đoàn Dassault Aviation (Pháp) sản xuất. Nguồn: dassault-aviation.com 

Euronews dẫn phân tích mới đây của tổ chức nghiên cứu kinh tế Bruegel có trụ sở tại Brussels cho thấy, bất chấp những nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất vũ khí của EU, khối này vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí Mỹ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực quốc phòng của châu Âu ít hơn đáng kể so với Mỹ. Năm 2023, châu Âu đã đầu tư 13 tỷ euro vào R&D trong lĩnh vực quốc phòng. Trong khi đó, Mỹ đã phân bổ một khoản tiền khổng lồ là 145 tỷ USD (khoảng 129 tỷ euro). Nhóm nghiên cứu tại tổ chức Bruegel cho rằng các nhà hoạch định chính sách của EU và chính phủ các quốc gia thành viên cần chú trọng tới các khoản đầu tư lớn hơn vào R&D trong lĩnh vực quốc phòng để thu hẹp khoảng cách này.

Việc EU ưu tiên mua sắm các thiết bị quân sự do chính châu Âu sản xuất có thể mang lại lợi ích kinh tế và sự tự chủ chiến lược cho khối. Tuy nhiên, lập trường này cũng đặt ra những lo ngại đáng kể. Вởi lẽ, trên thực tế, Mỹ sở hữu kho dự trữ và năng lực sản xuất lớn hơn hẳn so với châu Âu. Bên cạnh đó, một số hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ vẫn chưa có hệ thống tương đương từ châu Âu.

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống