Chuyên gia quân sự Ấn Độ Vijainder K Thakur chia sẻ với EurAsian Times, ông lo ngại rằng cuộc chiến trên không ở Ukraine đang leo thang đến mức báo động, có thể trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Thời gian gần đây, hai bên có những hành động đáp trả nhau bằng vũ khí tầm xa “rất nguy hiểm”. Ngày 19/7, lần đầu tiên Ukraine tấn công Crimea bằng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp. Ngày 24/7, Nga cũng đáp trả bằng cuộc tấn công vào cảng Reni của Ukraine trên sông Danube, gần Romania - một quốc gia thành viên NATO.
Những vụ bắn tên lửa Storm Shadow
Hồi tháng 5, Vương quốc Anh chuyển một số tên lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn 250 km cho Kiev để hỗ trợ tấn công các căn cứ quân sự và trung tâm hậu cần của Nga ở sâu phía sau tiền tuyến.
Kể từ đó, Ukraine thường xuyên sử dụng tên lửa này nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát, nhưng chưa bao giờ dùng nó để tấn công Crimea. Ngay cả sau khi có được tên lửa Storm Shadow, Ukraine cũng chỉ sử dụng máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu ở Crimea.
Nga luôn coi Crimea là một phần không thể tách rời của mình. Đây là khu vực được Nga sát nhập vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý.
Đoạn video về cuộc tấn công ngày 19/7 cho thấy, từ hiện trường vụ nổ, có thể khẳng định không phải do máy bay không người lái gây nên. Sự hủy diệt mạnh hơn tác động của một máy bay không người lái và đây là một cuộc tấn công bằng tên lửa tốc độ cao.
Sau cuộc tấn công đầu tiên, Ukraine tấn công Crimea bằng tên lửa Storm Shadow ba lần nữa. Tuy nhiên, không có cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow nào được Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận.
Ngày 22/7/2023, hai máy bay ném bom chiến đấu Su-24 của Ukraine đã bắn hai tên lửa hành trình Storm Shadow vào làng Oktyabrskoye ở quận Krasnogvardeisky, bán đảo Crimea, đánh trúng kho chứa dầu và kho đạn dược của Hạm đội biển Đen.
Trong báo cáo ngày 22/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng Nga đã bắn hạ một tên lửa hành trình Storm Shadow, nhưng không nêu rõ khu vực đánh chặn. Sáng 24/7, Ukraine tiếp tục tấn công một kho đạn dược và một cơ sở sửa chữa ở Crimea bằng tên lửa hành trình Storm Shadow.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng đêm 24/7 Ukraine đã dùng 17 máy bay không người lái tấn công các cơ sở trên bán đảo Crimea. Lực lượng Phòng không Nga đã bắn rơi toàn bộ số máy bay không người lái trên.
Vào rạng sáng ngày 25/7, các máy bay ném bom Su-24M của Ukraine tiếp tục tấn công Crimea bằng ba tên lửa hành trình Storm Shadow. Mục tiêu là một điểm tập kết các phương tiện quân sự của Nga ở khu vực Kremnevka phía bắc Simferopol.
Nga tấn công ngay ngưỡng cửa NATO
Đáp trả các hành động của Ukraine, Nga đánh vào cơ sở hạ tầng các cảng Ukraine trên sông Danube, mục đích là ngăn cản Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Cuộc tấn công được cho là đã chặn ít nhất 50 tàu chở hàng neo đậu ở sông Danube giữa Ukraine và Romania. Nó cũng là sự trả đũa việc Ukraine vượt qua ranh giới đỏ với các cuộc tấn công bằng Storm Shadow vào Crimea.
Đây là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện Nga sẽ không đơn phương kiềm chế để tránh đối đầu trực tiếp với NATO.
Ukraine có nhiều khu vực “nhạy cảm” mà Nga không đánh do gần biên giới NATO, nhưng sắp tới đây các cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra.
Những khó khăn trong việc ngăn chặn Storm Shadow
Nhiều kênh quân sự của Nga trên Telegram đã chỉ trích việc lực lượng phòng không của nước này không thể bắn hạ các tên lửa Storm Shadow tấn công Crimea.
Nguyên nhân là do Ukraine bắn tên lửa Storm Shadow từ khoảng cách rất xa và từ nhiều hướng khác nhau, kết hợp với nhiều máy bay không người lái cảm tử. Chiến thuật này làm cho hệ thống phòng không của Nga bị kéo căng và hạn chế khả năng đánh chặn.
Crimea có một số mục tiêu có giá trị chiến lược quan trọng mà Nga cần bảo vệ, bao gồm Cầu Kerch, căn cứ Hải quân Sevastopol và căn cứ Không quân Saky. Các cuộc tấn công Storm Shadow vào các mục tiêu này nếu thành công sẽ làm giảm uy tín sức mạnh phòng không của Nga.
Sevastopol là căn cứ chính của Hạm đội biển Đen, có khoảng 15.000 nhân viên đồn trú. Còn Saky nằm ở phía tây Crimea, là nơi đóng quân của Trung đoàn Không quân độc lập số 43 của Hải quân Nga, nơi có 12 chiếc Su-30SM, 6 chiếc Su-24M và 6 chiếc Su-24MR.
Việc bảo vệ các mục tiêu này có thể được ưu tiên hơn các mục tiêu khác ở Crimea. Nếu Nga có nhiều hệ thống chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) thì việc bảo vệ Crimea khỏi Storm Shadows sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, Nga được cho là không có đủ nguồn lực để bảo vệ tất cả các mục tiêu trên lãnh thổ của mình.
Ukraine có lợi thế bởi sự hiện diện của các thiết bị ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) trên không của Mỹ/NATO. Những thiết bị này giúp Storm Shadows tránh được sự phát hiện của radar trên các tàu chiến Nga. Ngoài ra, ISR có thể giám sát trạng thái và tìm ra những lỗ hổng từ hệ thống phòng không Nga.
Nga có thể giảm tỷ lệ thành công của Storm Shadows bằng cách triển khai nhiều tàu chiến nhỏ hơn có hệ thống phòng không ở biển Đen.
Nhiều chuyên gia quân sự suy đoán, bề ngoài Ukraine đang cố gắng phá hủy các cơ sở quan trọng ở hậu phương và nâng cao tinh thần của binh lính trước khi tấn công vào các vị trí của Nga. Nhưng ý định thực sự của Ukraine có thể là muốn lôi kéo NATO vào cuộc xung đột thông qua sự leo thang của Nga.
Kịch bản có thể xảy ra
Nga có thể sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu gần biên giới NATO, với mục đích cắt đứt các tuyến cung cấp hậu cần từ NATO cho Ukraine.
Chuyên gia Vijainder K Thakur cho rằng, nếu Nga không hành động thì việc Ukraine bắt đầu tấn công Crimea bằng tên lửa ATACMS cũng sẽ xảy ra. Cuối cùng, Ukraine sẽ sử dụng thiết bị của NATO và lính đánh thuê do NATO huấn luyện để bắt đầu đánh vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Trong trường hợp Nga tiếp tục tấn công gần biên giới NATO thì việc máy bay không người lái hoặc tên lửa của Nga xâm nhập không phận NATO cũng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nếu NATO tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow của Ukraine vào Crimea chỉ nhằm buộc Nga thỏa hiệp để đàm phán một thỏa thuận hòa bình thì đó sẽ là một “trò chơi nguy hiểm”.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống