Chuyên gia Mỹ: Mi-28N của Nga hiện đại nhưng vũ khí thua kém trực thăng Mỹ

 

Mi-28N “Night Hunter” (Thợ săn đêm) của Nga được thiết kế để có thể thực hiện các hoạt động chiến đấu vào bất cứ thời điểm nào, ngay cả trong điều kiện tầm nhìn hạn chế và tầm bay thấp. Dù được đánh giá cao, nhưng các chuyên gia Mỹ đã chỉ ra điểm hạn chế của loại trực thăng này, đáng chú ý nhất là hệ thống vũ khí chưa thực sự tương xứng với khả năng của chiếc máy bay.

Trực thăng hiện đại

Mil Mi-28 (tên NATO định danh là Havoc), là loại trực thăng chiến đấu của Nga, được thiết kế cho mục đích tấn công, không có chức năng vận tải và được đánh giá là có khả năng chống tăng tốt hơn Mi-24.

Với những thông số kỹ thuật phức tạp, trực thăng Mi-28N thực sự là một cỗ máy đáng gờm khi được trang bị hai động cơ tuốc bin trục VK-2500, mỗi động cơ có công suất 2.200 mã lực, có thể tăng tốc lên tới 2.700 mã lực trong trường hợp khẩn cấp.

Trực thăng Mi-28N của Nga.

Trực thăng Mi-28N của Nga.

Mi-28 có chiều dài 17,01m, chiều dài cánh quạt là 8,6m, chiều cao 3,82m. Trọng lượng của Mi-28N lên tới 8.000 kg, có thể mang theo 2.300 kg vũ khí. Khả năng chứa được 1.500 lits nhiên liệu trong thân máy bay. Kíp phi công gồm 2 người.

Mi-28N là một “tuyệt tác” của ngành công nghiệp hàng không hiện đại Nga. Máy bay có khả năng đạt tốc độ tối đa 300 km/h, phạm vi hoạt động lên tới 450 km (chưa tính thùng nhiên liệu phụ). Khi sử dụng thùng dầu phụ, Mi-28N có thể nâng phạm vi hoạt động lên tới 1.087 km, do đó mở rộng đáng kể khả năng tác chiến của nó.

Mi-28N được trang bị một loạt vũ khí đáng gờm như pháo 2A42 cỡ nòng 30 mm, với cơ số đạn là 250 viên. Ngoài ra, Mi-28N có khả năng sử dụng cả tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, bom và vũ khí bổ sung trên bốn giá treo của nó. 

Trong số các hệ thống tên lửa dẫn đường có sẵn để lắp đặt, thì các hệ thống chống tăng Sturm-B, Ataka-B và Ataka-VN là vũ khí đặc biệt, có độ chính xác cao và khả năng hủy diệt lớn.

Được trang bị hệ thống dẫn đường và phát hiện quang điện tử tiên tiến, Mi-28N có cả camera chụp ảnh nhiệt và camera truyền hình độ phân giải cao. Công nghệ tiên tiến này mang lại cho phi hành đoàn khả năng phân biệt mục tiêu ở khoảng cách xa tới 10 km và ngắm bắn các mục tiêu chính xác.

Mi-28N được trang bị hệ thống bảo vệ phức tạp, bao gồm cả hệ thống cảnh báo nguy hiểm và hệ thống bảo vệ chủ động. Khi có mối đe doạ, hệ thống cảnh báo nguy hiểm đóng vai trò vô cùng quan trọng, cảnh báo cho phi hành đoàn về các mối đe dọa tiềm ẩn được hiển thị trên màn hình radar với sự xuất hiện các vật thể gây nguy hiểm và phát hiện được tín hiệu từ hệ thống phòng không của đối phương.

Ngược lại, hệ thống bảo vệ chủ động bắt đầu hoạt động khi trực thăng phát hiện được nguy hiểm và sử dụng mồi nhử để đánh lừa tên lửa địch. Hệ thống vũ khí trang bị trên trực thăng Mi-28 có thể kết kết hợp cả thao tác thủ công và tự động, phi công có khả năng điều khiển vũ khí tiêu diệt chính xác mục tiêu. Hơn nữa, trực thăng Mi-28N còn được trang bị hệ thống theo dõi mục tiêu, một tính năng giúp phi công nâng cao khả năng sử dụng vũ khí đạt hiệu quả cao.

Các chuyên gia quân sự đánh giá cao tên lửa chống tăng Sturm và tên lửa Ataka được trang bị ở giá treo bên ngoài của trực thăng. Hệ thống Sturm, bao gồm tên lửa 9K121В Vihr-B, sử dụng cơ chế dẫn đường bằng laser, có thể tấn công các phương tiện bọc thép ở cự ly tối đa 8 km. Ngược lại, hệ thống tên lửa Ataka, được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt các phương tiện bọc thép trên mặt đất và các công trình tương tự, có tầm bắn lên tới 6 km.

Mi-28N với đầy đủ vũ khí.

Mi-28N với đầy đủ vũ khí.

Hạn chế được chỉ ra

Bất chấp một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như chi phí sản xuất cao, độ ồn và hoạt động kém ở độ cao lớn, nhưng Mi-28N vẫn là một trong những máy bay trực thăng chiến đấu cơ động nhanh và mạnh mẽ nhất trên thế giới. Mi-28N đã thể hiện được sự vượt trội trong các hoạt động đa dạng trên các chiến trường phức tạp.

Phi công trực thăng và nhà phân tích quân sự Mỹ, Lauren McKenzie, đã nhận xét “’Thợ săn đêm’ là một chiếc trực thăng đáng gờm, nó là một đối thủ nguy hiểm đối với bất kỳ lực lượng quân sự nào. Sự nhanh nhẹn và khả năng sống sót cao giúp cho Mi-28N trở thành một đối thủ mạnh trên chiến trường. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng các hệ thống vũ khí của Nga đang trang bị trên Mi-28 kém hơn so với vũ khí của chúng ta về độ chính xác và độ tin cậy. Hơn nữa, một số yếu tố của hệ thống điện tử hàng không cũng cần phải cải thiện”.

Nhưng, không thể phủ nhận “Thợ săn đêm” Mi-28N của Nga là một trực thăng chiến đấu đáng gờm, đã hoàn thành xuất sắc các vai trò được chỉ định trong các chiến trường phức tạp, nhất là trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukarine hiện nay.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống