Theo đài Sputnik (Nga), hôm 4/3, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận chiếc M1 Abrams thứ hai của Ukraine đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh với lực lượng Nga. Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc M1 đang cháy âm ỉ gần chiếc xe phá mìn M1150 bên ngoài vùng ngoại ô Avdiivka của Donetsk.
Hôm 26/2, Nga tuyên bố đã phá huỷ chiếc Abrams đầu tiên của Ukraine cũng ở vùng lân cận Avdiivka. Lực lượng Ukraine đã xây dựng một pháo đài lớn chống lại Nga trong suốt gần một thập kỷ ở khu vực này. Cuối cùng, vào tháng trước, Nga đã xuyên thủng pháo đài này sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt.
Cả hai chiếc Abrams bị tiêu diệt cho đến nay đều do máy bay không người lái FPV của Nga thực hiện - chiếc đầu tiên là UAV Piranha, chiếc thứ hai là UAV mang tên Upyr.
Phiên bản hạng nhẹ dành riêng cho Ukraine
Ông Alexei Leonkov, một trong những nhà quan sát quân sự nổi tiếng nhất của Nga, cho biết xe tăng Abrams của Ukraine được cung cấp mà không có thiết bị bảo vệ bổ sung được lắp đặt trên xe tăng do chính người Mỹ vận hành. Đây là loại giáp urani nghèo từng được ca ngời, giúp tăng độ bền cho xe tăng.
Trong phiên bản M1 do Ukraine chế tạo riêng, lớp giáp urani nghèo đã được thay thế bằng giáp vonfram, khiến phương tiện này dễ bị đạn và máy bay không người lái của đối phương tấn công hơn.
“Sau đó là hệ thống bảo vệ chủ động của xe tăng, cụ thể là hệ thống Trophy được lắp trên các xe Abrams khác tại Mỹ, điều mà những chiếc M1 của Ukraine tương tự không có”, ông Leonkov giải thích. Ngoài ra, phiên bản cung cấp cho Ukraine còn không có trạm cảnh báo chống máy bay không người lái để phòng thủ trước UAV. Nghĩa là, Ukraine nhận được “phiên bản hạng nhẹ” của xe tăng Abrams từ Mỹ.
Hàng loạt điểm yếu
Theo vị chuyên gia này, kết quả là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực mà Ukraine nhận được từ phương Tây có rất nhiều điểm yếu. Chúng bao gồm động cơ sử dụng nhiên liệu của máy bay phản lực, mang lại sức mạnh lớn để đẩy chiếc xe bọc thép khổng lồ tiến về phía trước. Nhưng đặc điểm vượt trội này lại phải trả giá bằng sự thất thường trên thực địa và thời gian sử dụng ngắn hơn.
Ông Leonkov nói điểm yếu thứ 2 như trên mọi chiếc xe tăng, là đỉnh tháp pháo và phần nhô ra bên hông.
“Dù được bảo vệ tốt đến đâu, chiếc xe tăng vẫn dễ bị nhắm mục tiêu. Nhưng thực tế, phương Tây đã sửa đổi những chiếc Abrams được gửi tới Ukraine bằng cách đặt đạn dược không chỉ ở thân xe, mà còn một phần ở phía sau tháp pháo. Điều đó có nghĩa là nếu bị bắn trúng trúng trực tiếp hoặc trong một số điều kiện nhất định khác, xe tăng có thể phát nổ và bị phá hủy”, ông giải thích.
Điểm yếu thứ ba của Abrams là hệ thống truyền động, ông Leonkov giải thích, đồng thời chỉ ra rằng hệ thống truyền động của MBT Mỹ là loại “gót chân Achilles” biến bộ áo giáp trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương ở địa hình khó khăn.
“Tất nhiên binh sĩ Nga đều biết về mọi vấn đề này. Vì vậy, họ chờ chiếc xe tăng xuất hiện, và khi trung đội Abrams này bắt đầu hoạt động ở khu vực Avdiivka – khai hỏa từ các vị trí đóng, pháo kích vào các vị trí của chúng tôi thì - chúng bắt đầu bị săn lùng”, ông nói.
Đánh giá dựa trên thông tin chiếc Abrams thứ 2 bị phá hủy, ông Leonkov cho rằng bộ truyền động của xe tăng có thể đã bị hư hỏng do trúng đạn từ súng RPG-7. Sau đó, máy bay không người lái đã được cử đến để tiêu diệt siêu tăng này.
Nga tung video lần đầu phá huỷ xe tăng Abrams của Ukraine. Video do máy bay không người lái giám sát ghi lại cho thấy khoang chứa đạn của phương tiện bị đốt cháy, khoang động cơ bốc cháy ngùn ngụt (Nguồn Telegram):
Một số mẫu do Mỹ cung cấp
Ông Leonkov cho biết “phiên bản Abrams rút gọn” mà Ukraine nhận được là một trong một số biến thể mà Mỹ cung cấp cho Kiev. Đồng thời ông chỉ ra rằng tên lửa ATACMS do Washington cung cấp cho Kiev năm ngoái đã được chuyển giao mà không có hệ thống dẫn đường quán tính và module điều chỉnh hướng đi GPS, do lo ngại hệ thống tác điện tử của Nga.
Trong mọi trường hợp, nhà quan sát này cảnh báo không nên phóng đại khả năng của ngay cả mẫu Abrams cơ bản được quân đội Mỹ sử dụng. Ông chỉ ra trong cuộc Chiến tranh Iraq, các chỉ huy Mỹ đã nhận ra những điểm yếu của xe tăng trước những chiếc áo giáp đơn giản và lỗi thời của Iraq.
“Vào thời điểm đó, bộ chỉ huy Mỹ đã ban hành chỉ thị cấm đưa Abrams ra chiến trường, trừ khi xe tăng T-72 của Iraq bị loại bỏ trước”, ông Leonkov nói. Theo ông, những mẫu T-72 đầu tiên bắn đạn pháo cỡ nòng phụ có thể bắn xuyên qua hầu hết mọi loại giáp. Do đó, những chiếc T-72 của Quân đội Iraq trước tiên phải bị loại bỏ bằng cách sử dụng máy bay chiến thuật được trang bị vũ khí chống tăng. Và chỉ sau khi có lệnh rằng không còn chiếc T-72 nào trên đường đi của Abrams, họ mới bước vào cuộc chiến.
Khôi phục vai trò của xe tăng ở Ukraine
Xe tăng do phương Tây ccung cấp cho Ukraine - dù là Abrams, Leopard 2, Leopard 2 hay Challenger 2 - luôn được sử dụng làm phương tiện hỗ trợ hỏa lực được triển khai ở cấp độ thứ ba và tham gia hỗ trợ hỏa lực hạng nặng.
“Chúng được thiết kế như một phương tiện hỗ trợ hỏa lực, như một phương tiện để trấn áp các điểm bắn của đối phương, đồng thời vẫn sẵn sàng chiến đấu sau các cuộc tấn công bằng pháo binh. Ukraine đã tích lũy một số lượng lớn hệ thống pháo binh ở hướng nam của mặt trận trong cuộc phản công mùa hè năm ngoái. Nhưng họ không đáp ứng được kỳ vọng,trong khi nỗ lực khôi phục vai trò của xe tăng cũng không thành công”, ông Leonkov lập luận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống