Cột mốc quan trọng trong dự án Su-57 của Nga

 

Top War dẫn thông báo từ tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết, đã đạt thỏa thuận cung cấp phiên bản xuất khẩu của tiêm kích Su-57, với mã định danh là Su-57E, cho một khách hàng nước ngoài, trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 năm 2024 vừa diễn ra ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên phía Nga tuyên bố ký hợp đồng xuất khẩu tiêm kích Su-57.

“Đó chỉ là một phần trong chiến lược mở rộng hợp tác quốc phòng của Nga. Mạng lưới hợp tác quân sự-kỹ thuật của Nga sẽ tiếp tục đưa các loại vũ khí, thiết bị quân sự mới ra thị trường toàn cầu”, Top War dẫn lời Giám đốc điều hành Rosoboronexport Alexander Mikheyev nêu rõ.

Tiêm kích Su-57 tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 năm 2024. Ảnh: Getty Images 

Theo Global Times, hợp đồng trên đánh dấu sự thành công của ngành công nghiệp quốc phòng Nga bởi đây cũng là lần đầu tiên Moscow đưa phiên bản xuất khẩu của tiêm kích Su-57 ra giới thiệu bên ngoài lãnh thổ. Cụ thể, Rosoboronexport mang đến triển lãm ở Trung Quốc hai nguyên mẫu của dự án Su-57, gồm một chiếc làm nhiệm vụ bay biểu diễn và chiếc còn lại đặt tại không gian trưng bày cùng dàn mô hình vũ khí. Trong đó, chiếc do phi công Nga điều khiển đã phô diễn các màn nhào lộn và thao tác chuyên nghiệp tại chương trình bay biểu diễn của triển lãm.

Nga không tiết lộ danh tính quốc gia mua tiêm kích Su-57, trong khi hiện chỉ có 3 quốc gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của riêng mình là Nga, Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, chuyên gia phân tích quốc phòng Harrison Kass của The National Interest loại trừ khả năng khách hàng này là Trung Quốc, chứ đừng nói là Mỹ hoặc các nước đồng minh của Washington luôn đối địch với Moscow. Vị này nhận định nhiều khả năng là Algeria, Iran hoặc Ấn Độ, vốn là các bạn hàng lâu năm và đã khai thác nhiều dòng máy bay chiến đấu của Nga. Trong đó, Algeria được cho “đứng đầu danh sách” bởi trước đây đã có thông tin về việc Algiers đang trong quá trình thảo luận với Moscow để mua tiêm kích Su-57. Về phần mình, Bulgarian Military cho rằng khách hàng đầu tiên của Su-57 đến từ Trung Đông hoặc một quốc gia ở Đông Nam Á.

Lâu nay, truyền thông và giới chức Nga tiết lộ tiêm kích Su-57 được nhiều nước để mắt tới. Ngược lại, TASS từng đưa tin vào cuối năm ngoái rằng Moscow cũng đưa ra đề nghị nội địa hóa sản xuất tại các quốc gia thể hiện sự quan tâm đến dòng máy bay này. Trước đó, những phiên bản tiền nhiệm của tiêm kích Su-57 là Su-27 và Su-30 rất thành công trên thị trường xuất khẩu, được các khách hàng nước ngoài mua với số lượng lớn. Vì thế, tiêm kích Su-57 có thể sẽ tiếp nối được những “đàn anh” nêu trên. Theo lãnh đạo Rosoboronexport, lợi thế cạnh tranh chính của tiêm kích Su-57 là kinh nghiệm thực chiến nhờ được triển khai trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, nơi máy bay này đã đối đầu với nhiều hệ thống phòng không tiên tiến như: Patriot, NASAMS, IRIS-T mà Mỹ và phương Tây viện trợ cho Kiev. Trước đó, Nga từng triển khai tiêm kích này tới Syria vào giai đoạn 2018-2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế.

Cùng với đó, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của tiêm kích Su-57 cũng đáp lại một số hoài nghi về tiến độ chậm trễ trong dự án phát triển, sản xuất máy bay tàng hình này do ngành công nghiệp quốc phòng xứ bạch dương phải tập trung phục vụ nhu cầu của cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài gần 3 năm, cũng như chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. TASS cho biết, bất chấp nhiều khó khăn, Nga không ngừng tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ thân thiện với Moscow. Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga thông báo khánh thành các cơ sở mới để hỗ trợ sản xuất thêm tiêm kích Su-57 và đơn giản hóa quy trình lắp ráp máy bay, qua đó có thể đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống