Theo văn bản luật mới được Đan Mạch thông qua về kinh Koran, các hành động mang tính xúc phạm như đốt, đá, cắt, xé hay làm ô uế các văn bản tôn giáo được coi trọng một cách công khai hoặc nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi những hình ảnh lệch lạc đều bị đánh giá là các hành vi ứng xử không phù hợp và bị cấm tại quốc gia này.
Theo đó, những trường hợp vi phạm sẽ phải chịu mức án tù lên đến 2 năm. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ Đan Mạch với mục tiêu chính là ngăn chặn vụ đốt kinh Koran liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.
Nhà chức trách Đan Mạch cho biết chỉ từ tháng 7-10/2023 đã thống kê được 483 vụ việc mang tính xúc phạm và báng bổ tôn giáo như đốt các bản kinh Koran và lá cờ của người Hồi giáo, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội của các tín đồ Hồi giáo tại Đan Mạch và tại nhiều quốc gia Hồi giáo.
Cuối tháng 7/2023 tại Iraq, các tín đồ Hồi giáo đã tập trung biểu tình trước cửa Đại sứ quán Đan Mạch tại thủ đô Baghdad để thể hiện sự phẫn nộ. Tình hình căng thẳng đã buộc Đan Mạch nâng cấp độ cảnh báo an ninh, tăng cường kiểm soát biên giới trong vòng 1 tháng cho đến cuối tháng 8/2023. Chính phủ Đan Mạch cho biết việc đưa ra luật cấm công khai xúc phạm kinh Koran để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia trước các nguy cơ khủng bố ngày càng tăng.
Ngoài Đan Mạch, một quốc gia Bắc Âu khác là Thụy Điển cũng thông báo đang nghiên cứu cách thức để áp đặt những giới hạn pháp lý đối với các hành động báng bổ kinh Koran đang có chiều hướng gia tăng. Các nước Hồi giáo đã yêu cầu hai quốc gia Bắc Âu cần có biện pháp ngăn chặn hành vi cực đoan.
Đan Mạch không phải là quốc gia châu Âu duy nhất cấm đốt kinh Koran. Hiện đã có 8 nước châu Âu bao gồm Đức, Áo, Bỉ, Estonia, Phần Lan, Italy, Ba Lan và Romania ban bố các điều luật tương tự.
Tuy nhiên, các phe phái đối lập và một bộ phận dư luận tại Đan Mạch cũng cho rằng giới hạn quyền chì trích tôn giáo, trong đó có kinh Koran, là vi phạm quyền tự do biểu đạt và ngôn luận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống