Động thái tiếp theo của Ukraine sau khi gói hỗ trợ quân sự từ Mỹ được thông qua

 

Động thái mới của Mỹ có giúp Ukraine đảo chiều xung đột?

Việc Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine đang thúc đẩy cuộc đua với thời gian trong việc vận chuyển vũ khí cho Kiev nhằm cản trở các bước tiến của Nga và đặt ra những câu hỏi khó về việc liệu sự hỗ trợ này có đủ để đảo chiều xung đột hay không.

Hạ viện Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngày 20/4 (giờ Mỹ), tạo điều kiện để nó nhanh chóng được Thượng viện do đảng Đân chủ lãnh đạo và Tổng thống Joe Biden phê chuẩn sau 6 tháng bị trì hoãn.

Chính quyền Tổng thống Biden trước đó cảnh báo, nếu không có ngân sách, Ukraine sẽ thua trong cuộc xung đột với Nga vào cuối năm nay.

"Bây giờ tất cả chúng ta đã có cơ hội để duy trì tình hình ổn định và giành lại thế chủ động. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần những hệ thống vũ khí này", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay ngày 21/4 trong cuộc trả lời phỏng vấn với NBC.

Tổng thống Zelensky cho biết, các binh lính Ukraine đã sẵn sàng cho cuộc tấn công lớn của Nga dự kiến diễn ra trong những tháng tới, có thể là trước mùa hè.

"Chúng tôi đang chuẩn bị. Các binh lính đã bước vào tập luyện. Tôi không muốn nói lại nhưng chúng tôi đang chờ đợi các hệ thống vũ khí bởi chúng tôi muốn các lữ đoàn được trang bị đầy đủ. Một số binh lính đã kiệt sức và cần thay thế. Tuy nhiên, với những lữ đoàn mới, họ phải có các trang thiết bị", ông Zelensky cho hay.

Quân đội Ukraine đã nỗ lực ngăn cản các bước tiến của Nga trong mùa đông nhưng việc thiếu tên lửa và đạn pháo khiến họ mất một số vùng lãnh thổ và cho phép đối phương đạt được một số thành quả ở phía Đông.

Tổng thống Zelensky cho rằng Điện Kremlin có kế hoạch huy động 300.000 binh lính vào 1/6. Tuy nhiên, Nga đang lên kế hoạch để giành thành phố Chasiv Yar sớm hơn nhiều, cụ thể là vào 9/5, nhà lãnh đạo Ukraine tiết lộ. Gần thành phố Bakhmut, Chasiv Yar vẫn do quân đội Ukraine kiểm soát nhưng đã bị hỏa lực Nga tấn công dữ dội trong những tháng gần đây và có thể là thành phố tiếp theo thất thủ.

Một phần của khoản hỗ trợ trên sẽ cho phép chính phủ Mỹ cung cấp vũ khí từ chính kho của mình tại các địa điểm trong nước và ở châu Âu cùng với ngân sách từ Quốc hội được sử dụng để tái trang bị nguồn cung. Một phần khác trong khoản hỗ trợ này sẽ chi trả cho các thỏa thuận cung cấp dài hạn giữa các công ty vũ khí Ukraine và Mỹ.

"Chúng tôi muốn có thể nhanh chóng cung cấp hỗ trợ an ninh với số lượng mà chúng tôi cho là họ cần để có thể thành công", Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder nói.

Mục tiêu của Ukraine

Mục tiêu đầu tiên của Ukraine là ngăn bước tiến của Nga ở Donetsk, nơi Moscow giành được một số thành quả trong những tuần gần đây và sẽ sớm lên kế hoạch cho một "cuộc tấn công tổng lực" để giành thị trấn Chasiv Yar, ông Zelensky nhận định. Chasiv Yar là một điểm chiến lược bảo vệ cửa ngõ của các thành phố Kramatorsk và Sloviansk.

Tổng thống Zelensky cho biết quân đội nước này đang cần các vũ khí tầm xa và hệ thống phòng không. Ông cảnh báo các yêu cầu tương lai của Ukraine sẽ phụ thuộc vào thời điểm "chúng tôi thực sự nhận được vũ khí trên thực địa". Nhà lãnh đạo Ukraine chỉ ra rằng Kiev vẫn chưa nhận được các tiêm kích F-16, bất chấp thỏa thuận giữa Mỹ và một số nước châu Âu cách đây 1 năm về việc cung cấp phương tiện này.

Liệu Kiev có thể dựa vào các gói hỗ trợ xa hơn từ Mỹ hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể đưa ông Trump quay lại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa kiểm soát một hoặc cả hai viện trong Quốc hội. Cựu Tổng thống Trump đã phản đối viện trợ cho Ukraine và cho rằng đây là việc của châu Âu chứ không phải của Mỹ.

Michael Bociurkiw - Học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định bản chất "nhỏ giọt" của việc hỗ trợ cho Ukraine đã mang đến cho Nga "một lợi thế khó tin". Tình trạng thiếu vũ khí trong những tháng gần đây cho phép Moscow liên tục ném bom Kharkiv cũng như nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine bởi Kiev thiếu các hệ thống phòng không.

Dù vậy, ông cho rằng, gói hỗ trợ trên của Mỹ sẽ giống như cú hích để các nước châu Âu hành động nhiều hơn. Theo ông, động thái này có thể thúc đẩy các gói hỗ trợ cho Ukraine được thông qua ở bên kia bờ Đại Tây Dương như tại Anh và một số nước châu Âu.

Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 75 tỷ USD hỗ trợ, bao gồm tên lửa, pháo, xe tăng, xe bọc thép, UAV và đạn dược. Hầu hết khoản ngân sách này đều quay lại Mỹ qua các hợp đồng giữa Washington hoặc Kiev với các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Các nước EU đã cung cấp cho Ukraine 36 tỷ USD.

Inna Sovsun, một thành viên trong Quốc hội Ukraine nhận định bà cảm thấy nhẹ nhõm khi khoản hỗ trợ cho nước này cuối cùng đã được thông qua. Theo bà, sự trì hoãn hỗ trợ đã cho Nga cơ hội để tái tổ chức lực lượng, trong đó có việc sản xuất nhiều UAV và tên lửa hơn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống