“Gương mặt” tương lai của hạm đội tàu mặt nước Đức

 

Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức (Bundestag) vừa phê duyệt gói tài chính, nhưng không công bố con số cụ thể, cho chương trình đóng tàu khu trục F127 của Bộ Quốc phòng nước này, với cam kết ban đầu là đóng 5 chiếc và có tùy chọn đóng chiếc thứ 6.

Các tàu sẽ được bàn giao từ năm 2034 và phục vụ cho đến giữa những năm 2070. Dự án này nhằm thay thế 3 tàu khu trục lớp Sachsen (F124) vốn đang phục vụ trong hải quân Đức từ những năm 2000 và được lên kế hoạch loại biên vào đầu những năm 2030.

Theo Defence Industry Europe, quyết định công bố nhà thầu dự kiến trong quý I này. Nhằm chuẩn bị tham gia vào chương trình, Thyssenkrupp Marine Systems (TKMS) và NVL Group-hai công ty lớn trong ngành công nghiệp đóng tàu của Đức-thành lập một liên doanh từ tháng 9-2024 với mô hình tàu khu trục MEKO A-400 AMD đã được hải quân Đức lựa chọn.

Đại diện TKMS từng tuyên bố việc khởi đóng con tàu đầu tiên có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm nay.

Mô hình tàu khu trục MEKO A-400 AMD trưng bày tại Triển lãm vũ khí hải quân Euronaval 2024 ở Pháp. Ảnh: TKMS 

Cũng giống như F124, nhiệm vụ chính của tàu khu trục F127 là tăng cường năng lực phòng không cho hạm đội, trong đó tập trung vào khả năng chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh, thiết bị bay không người lái (UAV) của đối phương. Cùng với đó, tàu còn có thể chống ngầm, cũng như tấn công chính xác vào cả mục tiêu trên bộ và trên biển.

Dựa trên thiết kế của mẫu MEKO A-400 AMD, Defence Industry Europe cho biết, tàu khu trục F127 sẽ có lượng giãn nước 10.000 tấn (gần gấp đôi so với tàu F124), dài 160m, rộng 21m, độ mớn nước 5,5m.

Tàu trang bị 2 turbine khí và 2 động cơ diesel cho tốc độ tối đa gần 60km/giờ, tầm hoạt động trên 7.400km và thời gian đi biển liên tục 30 ngày với thủy thủ đoàn khoảng 200 người.

Đáng chú ý, tàu khu trục F127 tích hợp hệ thống chiến đấu tích hợp Aegis của Mỹ, vốn xuất hiện trên nhiều lớp tàu của hải quân các nước, để đối phó với những mối đe dọa khác nhau trên biển như máy bay cánh cố định, UAV, tên lửa, vũ khí dẫn đường công nghệ cao, tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.

“Trái tim” của hệ thống này là radar mảng pha quét điện tử đa năng AN/SPY-6 hoặc AN/SPY-7 cung cấp khả năng giám sát tầm xa, theo dõi đồng thời hàng trăm mục tiêu và quản lý tác chiến với độ chính xác cao.

Một tính năng nổi bật nữa của tàu khu trục F127 đến từ việc mang theo phương tiện không người lái BlueWhale do công ty IAI của Israel phát triển cùng hãng Atlas Elektronik của Đức, giúp thu thập thông tin tình báo, phát hiện tàu ngầm, bãi thủy lôi và nhiều mối đe dọa khác theo thời gian thực. Khí tài này đã được hải quân Đức hoàn tất thử nghiệm trên biển.

Kho vũ khí của tàu khu trục F127 cũng rất đa dạng, bao gồm 2 cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng Mk41 với cơ số 64 quả đạn. Đối với hải quân Đức, bệ phóng Mk41 sử dụng tên lửa phòng không tầm xa SM-2 và SM-6 để giải quyết nhiệm vụ chống tên lửa.

Khả năng phòng không trong bán kính trung bình của tàu dựa vào 2 bệ phóng tên lửa RIM-116. Hỏa lực pháo binh bao gồm pháo chính cỡ nòng 127mm, đi kèm một số tổ hợp pháo bắn nhanh cỡ nòng 20mm và 30mm.

Cùng với ngư lôi, đuôi tàu bố trí nhà chứa máy bay cho 2 trực thăng hải quân NH-90 cho tác chiến chống ngầm và khu vực cho UAV. Chưa dừng lại, nhà phát triển dự kiến còn lắp đặt trên tàu 2 hệ thống vũ khí laser nhằm tiêu diệt UAV và các mục tiêu trên mặt nước có kích thước nhỏ.

Gần đây, nhằm nâng cao năng lực tác chiến phòng không và chống ngầm trên biển, hải quân Đức đã đóng và đưa vào trực chiến 4 tàu khu trục F125, đồng thời đang thúc đẩy biên chế tàu khu trục F126 từ năm 2028. Tuy nhiên, 2 lớp tàu trên đều không được trang bị hệ thống chiến đấu tích hợp Aegis.

Vì vậy, Army Recognition đánh giá tàu khu trục F127 sẽ là xương sống của hạm đội tàu mặt nước trong hải quân Đức, nằm trong chiến lược “Tầm nhìn 2035+” của lực lượng này.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống