Hôm 29/12, ông Yury Ignat, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, tuyên bố các hệ thống phòng thủ tối tân mà phương Tây sản xuất và cung cấp cho Kiev - bao gồm Patriot, Iris-T, NASAMS - đã không thể đánh chặn được một tên lửa hành trình Kh-22 nào của Nga.
Tuyên bố của Ignat về cơ bản là nhấn mạnh sự kém hiệu quả của lực lượng phòng không Ukraine trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo Nga.
“Tên lửa Kh-22 có tốc độ bay lên tới 4.000 km/h và quỹ đạo bay phức tạp, vì vậy cần phải có các biện pháp đánh chặn cụ thể. Ngoài ra, Nga còn có phiên bản hiện đại hóa của tên lửa Kh-22 là Kh-32. Cho đến nay, hệ thống phòng không Ukraine vẫn chưa có vụ đánh chặn thành công nào, đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại”, ông Ignat nói về những khó khăn của lực lượng phòng không Ukraine khi đối mặt với các loại tên lửa đạn đạo tối tân của Nga.
Hồi tháng 8/2023, truyền thông Nga tuyên bố Ukraine chưa từng đánh chặn được bất kỳ tên lửa Kh-22 nào. Ignat cũng đã từng nói với trang tin Deutsche Welle rằng “không một tên lửa hành trình Kh-22 nào bị phá hủy”.
Ông Ignat nhấn mạnh, đây là loại tên lửa có cánh nhưng lại có tốc độ siêu âm. Nó thường di chuyển theo quỹ đạo đạn đạo với tốc độ đáng kinh ngạc, khoảng 4.000 km/h và vì thế "không thể đánh chặn tên lửa này bằng các phương pháp phòng không thông thường”.
Điều này càng được chứng minh bằng cuộc tấn công tên lửa của Nga vào Ukraine ngày 28 và 29/12. Ông Ignat cũng thừa nhận lực lượng phòng không Ukraine bất lực trước tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa chiến thuật Iskander và tên lửa thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga.
“Những tên lửa này là mục tiêu đặc biệt thách thức. Đáng tiếc là kho vũ khí hiện tại của chúng ta thiếu các hệ thống tên lửa phòng không có khả năng chống lại chúng một cách hiệu quả. Đối phương rõ ràng đã tận dụng lợi thế này, điều chỉnh các mục tiêu tên lửa dựa trên kết quả tình báo”, nguồn tin truyền thông Ukraine chia sẻ.
Kh-22 là loại tên lửa cỡ lớn có tầm bắn xa, định danh theo NATO là AS-4 “Kitchen”, do Viện Thiết kế MKB Raduga (Liên Xô cũ) phát triển từ cuối thập niên 1950. Nó được tạo ra nhằm đối phó với các tàu chiến cỡ rất lớn như tàu sân bay và nhóm tàu sân bay chiến đấu của hải quân Mỹ. Nó có thể được trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Năm 2016, tên lửa Kh-32, một biến thể nâng cấp của Kh-22, có động cơ tên lửa tốt hơn và đầu mới đã được đưa vào sử dụng.
Tên lửa có 2 chế độ tấn công ở 2 độ cao khác nhau. Tại chế độ trên cao, nó bay lên độ cao 27.000m và tạo ra tốc độ lớn để bổ nhào xuống mục tiêu; tốc độ giai đoạn cuối đạt khoảng Mach 4,6. Ngược lại, ở chế độ bay thấp, nó đạt đến độ cao 12.000 m và bổ nhào xuống mục tiêu với vận tốc khoảng Mach 3,5.
Để duy trì đường đi, tên lửa sử dụng cả hệ thống lái tự động ổn định bằng con quay hồi chuyển và máy đo độ cao vô tuyến.
Loại tên lửa này được coi là vũ khí chống hạm cực mạnh với tầm bắn xa tới 600km (biến thể cải tiến Kh-32 có thể đạt tới 1.000km), đầu đạn nặng 1.000 kg. Ngay cả khi chỉ được trang bị đầu đạn thông thường nó cũng có thể đánh chìm chiếc tàu sân bay cỡ lớn. Tạp chí Australian Air Power miêu tả Kh-22 là "một vũ khí khủng khiếp ở mọi giới hạn".
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống