Học hỏi Nga, Israel lắp giáp lồng chống UAV lên xe tăng Merkava

 

Theo Drive, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bắt đầu trang bị giáp lồng chống máy bay không người (UAV) cho xe tăng Merkava IV ngay trước thời điểm chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ vào Dải Gaza.

Những bức ảnh về xe tăng Merkava IV với giáp lồng được gắn ngay trên tháp pháo do các phóng viên của hãng thông tấn Anadolu ghi lại ở miền nam Israel giáp với biên giới Dải Gaza.

Một đơn vị thiết giáp Israel với giáp lồng trên những xe tăng Merkava IV trước chiến dịch trên bộ vào Dải Gaza. (Ảnh: Anadolu)

Một đơn vị thiết giáp Israel với giáp lồng trên những xe tăng Merkava IV trước chiến dịch trên bộ vào Dải Gaza. (Ảnh: Anadolu)

Giáp lồng dành cho xe tăng hoặc các phương tiện chiến đấu bọc thép lần đầu tiên được quân đội Nga sử dụng đầu tiên trên các xe tăng T-72B3 và được thử lửa trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Thời điểm mẫu giáp này xuất hiện nó nhận được nhiều ý kiến đánh giá trái chiều từ truyền thông phương Tây, tuy nhiên thực tế đã chứng minh hiệu quả của lớp giáp này trong tác chiến. Sự xuất hiện của UAV tấn công cỡ nhỏ và UAV “cảm tử” càng cho thấy vai trò của lớp giáp này.

Sau hơn một năm xung đột đến nay, cả quân đội Ukraine cũng bắt đầu trang bị giáp lồng cho các mẫu xe tăng của mình, từ xe tăng do Liên Xô chế tạo cho đến các mẫu xe tăng hiện đại của NATO.

Đã có nhiều trường hợp các đơn vị Ukraine tuyên bố đã đánh bại các cuộc tấn công của UAV “cảm tử” Nga bằng lớp giáp lồng bảo vệ quanh phương tiện chiến đấu.

Từ những diễn biến chiến trường ở Ukraine có thể thấy IDF sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công bằng UAV nếu họ đưa bộ binh vào Dải Gaza, ngoài ra còn có mối đe dọa đến từ tên lửa chống tăng.

Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi Israel quyết định lắp giáp lồng cho Merkava IV nhất là sau khi một số xe tăng của IDF bị UAV Hamas phá hủy bằng lựu đạn tự chế.

Đối với xe tăng Merkavas IV của Israel, lớp giáp bổ sung trên tháp pháo sẽ hữu ích nhất trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công từ các UAV cỡ nhỏ thả lựu đạn tự chế.

Đối với xe tăng Merkavas IV của Israel, lớp giáp bổ sung trên tháp pháo sẽ hữu ích nhất trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công từ các UAV cỡ nhỏ thả lựu đạn tự chế. (Ảnh: Anadolu)

Đối với xe tăng Merkavas IV của Israel, lớp giáp bổ sung trên tháp pháo sẽ hữu ích nhất trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công từ các UAV cỡ nhỏ thả lựu đạn tự chế. (Ảnh: Anadolu)

Cũng theo Drive, từ năm 2017, nguy cơ từ các UAV cỡ nhỏ hoặc drone đã hiện hữu trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. Điển hình như việc phiến quân IS sử dụng UAV thả lựu đạn phá hủy xe tăng M1 Abrams của quân đội Iraq trong trận Mosul, thậm chí IS còn sử dụng UAV “cảm tử” trong các cuộc tập kích.

Đến xung đột ở Ukraine, UAV “cảm tử” được nâng lên một tầm cao mới với sự xuất hiện của UAV FPV (góc nhìn thứ nhất). Đây là loại máy bay không người lái thương mại cỡ nhỏ nhưng được sửa đổi để mang theo đạn chống tăng hoặc thuốc nổ có khả năng gây sát thương lớn.

Lớp giáp bổ sung trên đỉnh tháp pháo cũng có thể cung cấp thêm bảo vệ cho Merkava IV trước các mối đe dọa khác từ trên cao, bao gồm lựu đạn và các chất nổ khác được thả xuống đầu xe tăng từ các tầng trên của các tòa nhà khi tác chiến trong khu vực đô thị. Kiểu giáp này cũng có thể ngăn chặn một số loại vũ khí chống tăng bộ binh.

Phần lớn các cuộc giao tranh dự kiến ​​ở Gaza có thể sẽ diễn ra trong môi trường đô thị rất đông đúc, nơi lực lượng Israel sẽ gặp rủi ro đáng kể từ các kiểu tập kích từ các tòa nhà cao tầng.

Điều thú vị là hầu hết những chiếc Merkava IV của Israel được trang bị giáp lồng đều đã được tích hợp hệ thống phòng vệ chủ động APS - Trophy . Trophy sử dụng một loạt radar nhỏ để phát hiện và theo dõi các mối đe dọa đang đến, sau đó sử dụng đạn động học để vô hiệu hóa chúng.

Trophy có phạm vi đánh chặn rất rộng và linh hoạt nhưng có những hạn chế khi tấn công các mục tiêu ở độ cao lớn hoặc ở phía bên trên xe tăng. Tập đoàn Rafael cho biết hệ thống này "cung cấp khả năng bảo vệ 360° theo góc phương vị cũng như phạm vi bao phủ trên độ cao rộng” chứ không phải bao phủ toàn bộ 360 độ theo mọi hướng.

Lớp giáp lồng bên cạnh lợi ích cũng có thể tạo thêm một số rủi ro, chẳng hạn như khiến nhân viên trong tháp pháo của xe tăng khó thoát ra ngoài hơn trong trường hợp khẩn cấp. Merkava có thiết kế khá khác biệt so với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, ví dụ như nó có một cửa sập ở phía sau thân tàu để tổ lái có thể thoát ra nếu cần thiết. Cửa sập đó cũng mang lại cho xe tăng khả năng chở quân khi cần và sơ tán y tế hạn chế.

Hệ thống giáp lòng được tích hợp trên xe tăng T-80BVM của Nga. (Ảnh: Michael Jerdev)

Hệ thống giáp lòng được tích hợp trên xe tăng T-80BVM của Nga. (Ảnh: Michael Jerdev)

Hiện tại vẫn còn phải xem liệu lớp giáp lồng bổ sung có trở nên phổ biến hơn trên Merkava hay các phương tiện bọc thép khác của Israel hay không. Những hình ảnh xuất hiện cho đến nay cho thấy không phải tất cả Merkavas hiện đang ở vị trí xung quanh Gaza đều có tính năng bảo vệ bổ sung này. Có thể những chiếc xe tăng được trang bị theo cách này sẽ được dùng làm phương tiện dẫn đầu trong các mũi tiến công đầu tiên.

Điều rõ ràng là khái niệm giáp lồng đã vượt ra ngoài cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới bao gồm cả quân đội Mỹ cũng tỏ ra quan tân đến những gì IDF đang thực hiện để bảo vệ những chiếc xe tăng của họ.

Còn về phía Nga, các tập đoàn quốc phòng của nước này đã biến giáp lồng thành một trang bị tiêu chuẩn với nhiều tính năng mở rộng, bao gồm cả hệ thống áp chế UAV ở tầm gần.

Trà Khánh(Nguồn: The Drive)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống