Theo nguồn tin trên, Hy Lạp dự kiến mua khoảng 1.200 xe chiến đấu BBM M-1117 Guardian và M2A2 Bradley. Hiện tại, các thông tin chi tiết về hợp đồng quy mô lớn này chưa được công bố, nhưng theo đúng kế hoạch Mỹ và Hy Lạp đã ký hợp đồng chính thức từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, tiến trình này đã bị hoãn lại.
IFV Bradley hiện là trang bị chiến đấu bộ binh chủ lực của quân đội Mỹ. |
Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong thời gian ngắn, Mỹ rất khó để đáp ứng cung cấp tới 1.200 xe chiến đấu cho Hy Lạp nếu chúng là phương tiện mua mới. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể thực hiện nếu Mỹ sử dụng nguồn xe đang được niêm cất. Nhiều khả năng, hợp đồng với phía Hy Lạp được thực hiện theo khuôn khổ chương trình Bán các thiết bị quân sự dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc. Theo đó, Hy Lạp sẽ được tặng toàn bộ trang bị có nhu cầu, nhưng Athens sẽ phải trả chi phí sửa chữa, khôi phục phương tiện, vận chuyển chúng về nước và đào tạo kíp chiến đấu. Đối với Lầu Năm Góc, việc này từng có nhiều tiền lệ.
Nếu hợp đồng được tiến hành thuận lợi, Hy Lạp sẽ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới cùng chia sẻ các nền tảng xe chiến đấu lục quân với Mỹ. Trước Hy Lạp, năm 2017, Mỹ từng cung cấp các đơn vị xe chiến đấu Bradley cho Lebanon và trong năm 2019 là Croatia. Các thỏa thuận trên đều được thực hiện theo chương trình EDA.
Là phương tiện chiến đấu bộ binh được hãng chế tạo United Defense phát triển từ thập kỷ 1970, IFV Bradley từng tham gia nhiều chiến dịch quân sự quy mô của Mỹ trong những năm 1990, 2000. Dòng IFV có khả năng chở theo 7 binh sĩ và kíp điều khiển 3 người này được cho là có nhiều chiến công hơn cả xe tăng Abrams trong chiến tranh tại Iraq. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ sử dụng, nền tảng IFV này đã trở nên cũ kỹ và không tương thích với các công nghệ mới dù đã được nâng cấp nhiều lần.
Quân đội Mỹ đã loại biên nhiều đơn vị IFV Bradley và bán chúng theo khuôn khổ EDA. |
Quân đội Mỹ hiện có kế hoạch thay thế hoàn toàn IFV Bradley bằng chương trình tìm kiếm xe chiến đấu bộ binh tương lai – OMFV. IFV tương lai sẽ gồm các phiên bản có và không có người lái. Chúng được trang bị nhiều công nghệ hiện đại hơn như: Tên lửa chống tăng TOW, hệ thống phòng thủ chủ động, thiết bị quan sát quang-điện tử thế hệ thứ 3, đạn pháo thông minh Coyote, cũng như hệ thống trao đổi thông tin bảo mật. Mỹ dự kiến chương trình OMFV có thể hoàn thiện vào năm 2025 để sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị từ năm 2028.
TUẤN SƠN (theo Armyrecognition)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống