Khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nhật - Hàn - Trung

 

Phát biểu với báo giới hôm qua, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishid Fumio sẽ tập trung thảo luận 6 lĩnh vực gồm: hợp tác kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, các vấn đề y tế, khoa học và công nghệ, quản lý an toàn và thảm họa, giao lưu nhân dân, đồng thời đưa ra tuyên bố chung. 

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo dự kiến trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như gặp gỡ doanh nhân và tham dự diễn đàn kinh doanh.

Theo ông Kim Tae-hyo, hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội để phục hồi động lực hợp tác thực chất và hướng tới tương lai của ba nước. Các cuộc gặp song phương Hàn - Trung và Hàn - Nhật cũng sẽ được tổ chức trước cuộc gặp ba bên.

Theo một số nguồn tin, để tạo thuận lợi cho hội nghị, ba nước đều khá thống nhất quan điểm nối lại đàm phán và bắt đầu từ những vấn đề ít gai góc trước. Bởi lẽ các bên đều nhận thấy lợi ích trong việc kiểm soát quan hệ và nối lại đàm phán để đảm bảo động lực hợp tác thực tế và hướng tới tương lai nhằm cho phép người dân ba nước được hưởng những lợi ích lớn. 

Ông Kang Jun-young - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Đại học Han-kuc, Hàn Quốc nói: "Lãnh đạo Trung Quốc trước đó từng nhấn mạnh vai trò mang tính xây dựng, thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chuỗi cung ứng, đặc biệt là ngành bán dẫn với Hàn Quốc. Hợp tác công nghiệp có thể sẽ là chủ đề thảo luận quan trọng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Đối với quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc đã quyết định tập trung vào các giải pháp hướng tới tương lai cho các vấn đề lịch sử".

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, việc Hàn Quốc chủ trương xích lại gần Mỹ và việc tăng cường liên minh ba bên Mỹ - Hàn - Nhật vô hình trung đã làm dấy lên hình thái của mô hình Chiến tranh Lạnh mới với bên kia là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Chính vì thế, việc kết nối lại hợp tác với Trung Quốc được coi là mắt xích còn thiếu nhằm mở rộng không gian ngoại giao cho Hàn Quốc nói riêng và 3 nước Đông Bắc Á nói chung.

Theo đánh giá của giới phân tích, với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Hàn Quốc, Tổng thống  Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ tận dụng cơ hội tại hội nghị này để hóa giải mối quan hệ bị giảm sút nhất với Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thúc đẩy liên lạc chiến lược, thay đổi tình hình, mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại, tạo môi trường đầu tư thân thiện ở Trung Quốc nhằm hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và giao thương là những kết quả mà dư luận đang trông đợi. 

Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Kang Jun-young nhấn mạnh: "Đây là cuộc họp thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo cấp cao ở khu vực Đông Bắc Á nên việc duy trì động lực hợp tác là rất quan trọng. Cuộc gặp ba bên hiếm hoi sau 4 năm được tổ chức tại Seoul là sự khởi đầu mới và có ý nghĩa to lớn”.

Trước đó, trong việc hóa giải mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc đã thể hiện rõ lập trường gác lại khác biệt, tập trung hợp tác giống như những nỗ lực giai đoạn ngoại giao con thoi để phá băng với Nhật Bản năm 2023. Với rất nhiều khác biệt và vô vàn những vấn đề tồn đọng sau nhiều năm quan hệ bị đình đốn, việc Hàn - Trung - Nhật đồng ý nối lại hội nghị thượng đỉnh được cho là tín hiệu tích cực thể hiện ý chí hợp tác hướng tới tương lai.

Bên cạnh đó, việc khôi phục hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn - Trung - Nhật sau thời gian dài gián đoạn có ý nghĩa rất lớn. Bởi lẽ, ba quốc gia này có chung lịch sử lâu đời và là những nước láng giềng có nhiều mối liên kết phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Kim ngạch trao đổi thương mại chiếm tỷ trọng cao trong hợp tác giữa ba nước so với các nước khác. Thêm vào đó, sự hợp tác giữa ba nước là cần thiết để ứng phó với các thảm họa khí hậu và môi trường ngày càng thường xuyên.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống