Khi doanh nghiệp công nghệ “khuấy đảo” ngành công nghiệp quốc phòng

 

Tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, từ nhiều thập niên qua, những “ông lớn” về sản xuất quốc phòng như Lockheed Martin, Northrop Grumman, Raytheon và Boeing thường thống trị các hợp đồng quân sự có giá trị. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ trong 20 năm qua cùng những khoản đầu tư “khủng” đã tạo ra sân chơi mới cho các “tay chơi” mới nổi, đe dọa sự thống trị của những gã khổng lồ trong lĩnh vực này.

Chẳng phải vô cớ mà giới đầu tư kỳ vọng 2024 sẽ là năm bùng nổ đối với các start-up công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, mở ra một chu kỳ cực thịnh của ngành sản xuất quốc phòng. "Hơn bao giờ hết, nhiều quốc gia phải đối mặt với những mối đe dọa mới và chiến trường hiện đại đang thay đổi đến mức không thể nhận ra", Business Insider dẫn lời Nathan Benaich, người sáng lập Air Street Capital, một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực AI.

leftcenterrightdel
Không quân Mỹ đầu tư hàng triệu USD cho việc phát triển máy bay phản lực siêu thanh của công ty Hermeus. Ảnh: Hermeus 

Trong thông cáo báo chí đưa ra sau khi giành được một hợp đồng giá trị với Lầu Năm Góc, bà Shannon Clark, Giám đốc phát triển của công ty phân tích dữ liệu Palantir tuyên bố: "Thắng lợi này là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng AI vào quân sự, đưa công nghệ tiên tiến từ thử nghiệm sang sản xuất và vận hành trên thực địa".

Nổi đình đám trong số các doanh nghiệp nói trên phải kể đến Tập đoàn công nghệ khai phá không gian (SpaceX) của tỷ phú Elon Musk. Năm 2022, SpaceX ra mắt vệ tinh Starshield, tương tự như vệ tinh Starlink nhưng được thiết kế riêng cho Chính phủ Mỹ nhằm mục đích "hỗ trợ các nỗ lực an ninh quốc gia". 

Đầu năm nay, Scale AI, một start-up về AI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) được định giá 7 tỷ USD, thông báo hợp tác với văn phòng AI của Lầu Năm Góc để thử nghiệm và đánh giá các mô hình ngôn ngữ AI, hướng tới mục tiêu cung cấp cho quân đội Mỹ một khuôn khổ triển khai AI một cách an toàn bằng việc đo lường hiệu suất, tạo ra các bộ đánh giá chuyên biệt để thử nghiệm các mô hình hỗ trợ quân sự bằng AI. 

Năm 2022, công ty khởi nghiệp Hermeus giành hợp đồng 950 triệu USD để phát triển hệ thống điều khiển và liên lạc hàng không thế hệ tiếp theo cho không quân Mỹ. Những thông tin công khai cho thấy, Hermeus đang phát triển một loại máy bay siêu thanh có tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5, hay khoảng 3.300 dặm/giờ). Trước đó, năm 2020, không quân Mỹ đã ký với Hermeus thỏa thuận phát triển một máy bay phản lực siêu thanh dành cho tổng thống. 

Thành lập chưa lâu, song doanh nghiệp công nghệ Anduril Industries đã tự định vị như một đối thủ đáng gờm khi đánh bại hai gã khổng lồ Boeing và Lockheed Martin để giành được những hợp đồng lớn. Tháng 4 vừa qua, công ty này ký với không quân Mỹ thỏa thuận thiết kế và thử nghiệm máy bay chiến đấu không người lái (máy bay tự hành) ứng dụng AI. Giá trị chi tiết của thỏa thuận không được tiết lộ, song theo các nguồn tin, không quân Mỹ có kế hoạch mua 1.000 máy bay loại này, với mức giá 30 triệu USD/chiếc.

Với lợi thế nắm trong tay những tiến bộ nhanh chóng về AI và các công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất trang bị, vũ khí, các start-up công nghệ dường như đang gia tăng vị thế trong ngành công nghiệp quốc phòng. Nếu không có chiến lược xoay chuyển phù hợp, những gã khổng lồ trong ngành sản xuất quốc phòng truyền thống có thể sẽ đứng trước nguy cơ bị "soán ngôi".

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống